WB: Logistics Việt mất lợi thế cạnh tranh do phí cao gấp đôi các nước phát triển
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong ngành logistics từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được như quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau, cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu kém... Đặc biệt, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với doanh nghiệp các nước trong khu vực và thế giới.
Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), ông Ousmane Dione đưa ra chỉ rõ, tính theo tỷ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân 14% GDP của toàn cầu.
Giám đốc WB phát biểu tại hội nghị logistics |
Giám đốc WB cho rằng dù đạt được nhiều tiến bộ về cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Minh chứng là thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics (LPI) đã giảm từ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016.
"Sự sụt giảm này cho thấy các nền kinh tế khác đang có sự thăng tiến nhanh hơn nhiều so với Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh", người đứng đầu WB Việt Nam nhận định.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ
Logistics Việt Nam cho biết khó khăn lớn với các doanh nghiệp logictics Việt Nam là quy mô còn nhỏ, số lượng nhân viên ít và hầu như không có trụ sở ở nước ngoài. 41% số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Số doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 tỷ đồng chỉ chiếm 7% số doanh nghiệp trên cả nước.
Hạn chế về năng lực tài chính và trình độ quản lý là rào cản lớn cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Đa phần các doanh nghiệp logistics là doanh nghiệp trong nước, chiếm tới 88%. Chỉ có 10% là doanh nghiệp liên doanh và 2% là doanh nghiệp nước ngoài.
Theo số liệu thống kê từ Biinform Database, doanh thu của 100 công ty đầu ngành về logistics của Việt Nam năm 2016 vào khoảng 8,74 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2015. Tuy nhiên trong đó, hoạt động vận tải chiếm 77% tổng doanh thu thu về từ hoạt động dịch vụ logistics. Các hoạt động giao nhận, hỗ trợ vận tải, kho vận chỉ chiếm 23%.
Chia sẻ tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng logistics phải được coi là một trong những ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng, đóng vai trò quan trọng trong mô hình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, góp ý cho sự phát triển của ngành logistics Việt Nam, Giám đốc WB khuyến nghị Chính phủ cũng như khối kinh tế tư nhân cần có lộ trình rõ ràng về cải cách nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logistics. Trong nhiều lĩnh vực sẽ cần có những nhóm giải pháp để bổ sung cho việc tăng cường đáng kể đầu tư vào hạ tầng cơ sở.
Thứ nhất là nhóm giải pháp tăng cường kết nối. Hiện tại, dù nỗ lực trong đầu tư công vào hệ thống giao thông hạ tầng trong logistics Việt Nam là có nhưng vẫn chưa bắt kịp được mức độ tăng trưởng xuất khẩu và sự gia tăng nhanh chóng về lưu lượng hàng hoá.
“Ngành nên thay đổi việc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công, và chuyển dịch sang tài trợ bởi khu vực tư nhân và thiết lập ưu tiên rõ ràng cho đầu tư thiết yếu”, ông Ousmane Dione cho biết.
Bên cạnh đó, phía WB cũng cho rằng cần tăng cường tạo luận lợi thương mại bởi đây có thể là một yếu tố quyết định. Cụ thể là đơn giản hóa thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành. Ông Ousmane thẳng thắn nhận xét việc cải cách và hiện đại hoá các cơ quan quản lý ngành vẫn chậm trễ hơn nhiều, cần tiếp tục điều chỉnh. Ngoài ra, theo ông cần đồng bộ quy trình, tránh tình trạng chồng chéo, gây khó doanh nghiệp.
Ông Ousmane cho rằng để cải thiện ngành logistics thành công cần phải có sự phối hợp công tác liên ngành với doanh nghiệp. World Bank cũng khuyến nghị mở rộng phạm vi hoạt động của Uỷ ban Tạo thuận lợi Thương mại Quốc gia (NTFC) sang mục tiêu phát triển lĩnh vực logistics, cũng như giám sát kết quả thực hiện Chương trình hành động Logistics Quốc gia. Đại diện WB lưu ý hợp tác với doanh nghiệp là yêu cầu hết sức quan trọng. Theo đó, WB đề xuất có đại diện của doanh nghiệp tham gia vào Ủy ban Tạo thuận lợi Thương mại Quốc gia.
Ngoài ra, ông Ousmane cho rằng việc theo dõi và đo lường tiến độ cải cách cũng rất quan trọng. Việc thu thập và duy trì dữ liệu logistics sẽ mang lại hiệu quả quan trọng để triển khai các cải cách và hoạt động thích hợp.
"Có được số liệu thống kê chính xác về logistics và vận tải sẽ làm tiền đề cho việc xây dựng chính sách chính xác hơn và cam kết World Bank sẽ hỗ trợ phía Việt Nam trong vấn đề này", đại diện WB khẳng định.