“Vui quá trớn và thiếu trách nhiệm”
Về cuốn truyện tranh “Sát thủ đầu mưng mủ”
“Vui quá trớn và thiếu trách nhiệm”
Đó là ý kiến của nhà giáo, nhà văn Văn Giá, một người đã có nhiều năm giảng dạy tại Học viện báo chí khi trao đổi với Infonet về cuốn truyện tranh “Sát thủ đầu mưng mủ”.
> Bất ngờ khi ngôn ngữ đường phố thành sách
Nhà giáo, nhà văn Văn Giá |
- Là một người vừa hoạt động trong lĩnh vực ngôn ngữ lại vừa là một nhà giáo ông đánh giá thế nào về cuốn truyện tranh “Sát thủ đầu mưng mủ”?
Tôi rất phản đối cái bìa sách mang đầy tính bạo lực này. Bên cạnh đó nội dung cuốn sách cũng còn nhiều những cách nói diễu cợt, xúc phạm, hoặc gợi lên những nội dung không lành mạnh vừa sex, vừa bạo lực như: Bộ đội phải chơi trội, Yêu nhau trong sáng - phang nhau trong tối...
Cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ – Thành ngữ sành điệu bằng tranh” là một cuốn sách thiếu chọn lọc, có nhiều sạn. Nếu những cách nói chưa được lựa chọn, thiếu sự kiểm chứng, lại được dán nhãn, quảng bá vào đời sống thì đó là sự xúc phạm ngôn ngữ, xúc phạm đến tiếng Việt. Mặt khác, đây là cuốn sách giành cho tuổi mới lớn lại càng cần có tính giáo dục, tính định hướng chứ không chỉ thuần túy chạy theo thị hiếu để bán sách. Mặc dù đây chỉ là sự giải trí, nhưng sự giải trí cũng cần có giới hạn, không nên đùa quá trớn và thiếu trách nhiệm.
- Nhưng cuốn sách đã được cảnh báo là cho lứa tuổi 15 trở lên?
Tuổi 15 trở lên cũng vẫn cứ là thanh niên, là học sinh, sinh viên. Có thể nói cuốn sách không thích hợp với lứa tuổi 15+. Ngôn ngữ suồng sã trong đời sống cần có sự sàng lọc của thời gian mới có thể tuyển dựng thành sách được. Người làm sách cần có kỷ luật cao hơn trong chọn lọc, nhất là trong ý thức xây dựng văn hoá của mình.
- Nhiều người cho rằng đây là sự cách tân ngôn ngữ, là thành ngữ hiện đại, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Trong quá trình giao tiếp, sự vận động của ngôn ngữ sẽ hình thành nên những cách nói của đời sống hiện đại. Có một số cụm từ/ ngữ ra đời ban đầu còn lạ lẫm nhưng được dùng mãi thành quen và đi vào đời sống. Ví dụ như “bó tay chấm com” là một cách nói chỉ có trong thời đại Internet. Cách nói này lan truyền từ giới trẻ mà ra, rồi được cả người lớn sử dụng nhằm tạo ra cách diễn đạt vui, tránh xơ cứng, nhàm chán; nó vừa diễn tả được ý nghĩa bất lực của con người lại vừa mang sắc thái hiện đại.
Khi giới trẻ sử dụng Internet, họ đã hình thành nên cuộc đua trong ngôn ngữ “chat” nhằm tạo ra những cách nói cốt sao cho ấn tượng, hài hước, dí dỏm, ngộ nghĩnh để chứng minh mình là người thông thái, người có tài “chém gió”… Nhiều khi đơn giản chỉ là sự xếp vần vè cho thuận mồm, dễ nhớ theo một cách ngẫu nhiên và tùy tiện. Chính vì thế sẽ có cụm từ có nghĩa, có cụm từ vô nghĩa. Thỉnh thoảng cũng có những cách chơi chữ rất khá như “Cố quá thành quá cố”. Tuy nhiên không nên coi đây như thành ngữ hiện đại, đó mới chỉ là cách nói dân dã, đời thường, hàm lượng trí tuệ rất hiếm, chưa ổn định, chưa được cộng đồng chấp nhận rộng rãi.
Đối với những cụm từ/ngữ mới sẽ có một số trở nên phổ biến, được mọi người chấp nhận. Tuy nhiên cũng có những cụm ngữ chỉ được dùng riêng lẻ trong một tình huống nào đó, trong một nhóm người nào đó, trong một địa phương nào đó… Những cụm ngữ này thường là cách nói vần vè, xuôi miệng, chưa được thanh lọc và chưa có giá trị phổ biến, ổn định. Nếu đưa những cụm ngữ này vào xuất bản thành sách để quảng bá thì đó là sự vội vàng, thiếu thận trọng.
- Như vậy thì theo ông bao giờ tiếng Việt có được những thành ngữ mới?
Ngôn từ mới thường được chính thức hóa bằng từ điển. Các từ điển ngôn ngữ của nước ngoài luôn luôn được cập nhật một cách có chọn lọc. Đồng thời có thể thấy bản chất của từ điển là luôn đi chậm hơn ngôn ngữ đương đại. Những cụm từ/ngữ mới nảy sinh cần có sự sàng lọc của thời gian, được chấp nhận phổ biến thì đến lúc đó mới được đưa vào từ điển. Với các cụm từ/ngữ mà cuốn truyện tranh “sát thủ đầu mưng mủ” thu thập đều chưa có cả hai yếu tố đó nên chưa thể công nhận và chính thức nó được.
- xin cám ơn ông!
Vũ Chương
Ngày 24/10/2011, Cục Xuất bản đã có công văn số 3184/CXB-QLXB gửi NXB Mỹ Thuật về việc xử lý cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” do có nhiều nội dung phản cảm, không phù hợp với việc giáo dục thanh thiếu niên. Nội dung công văn trên đã yêu cầu NXB Mỹ Thuật kiểm tra lại thông tin về cuốn sách, “Có văn bản yêu cầu đối tác liên kết ngừng phát hành cuốn sách trên để thẩm định nội dung; Nộp ngay lưu chiểu cuốn sách trên theo quy định của Luật Xuất bản” và có văn bản báo cáo gửi về Cục Xuất bản. |