Vụ Trần Đức Trung: Nộp 8 triệu sẽ có “thẻ phóng viên"
Qua các nguồn thông tin, PV Infonet đã có được hình ảnh chiếc “Thẻ Phóng viên”, mang tên Trịnh Q.H, rất giống Thẻ Nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
Các đặc điểm giống như hình dạng, kích cỡ, viền ngoài màu đỏ, hai vạch đỏ chéo dưới ảnh, các trường thông tin sắp xếp thứ tự, và được dịch ra tiếng Anh bên cạnh… Phía dưới được ký với chức danh “Phó Tổng biên tập phụ trách” Trần Đức Trung. Vậy nguồn gốc tấm “thẻ phóng viên” giống thẻ nhà báo ấy xuất phát từ đâu?
"Thẻ Phóng viên" được cấp trái phép |
Thẻ Nhà báo hết giá trị của ông Trần Đức Trung, vừa được thu hồi |
Qua xác minh, PV Infonet đã tiếp cận được người có tên trên tấm thẻ này, anh Trịnh Q.H. Tại buổi trò chuyện với phóng viên, anh H. cho biết, do đặc thù công việc phải thường xuyên di chuyển qua các tỉnh thành, vì vậy anh hay có được các tin hay, muốn được chia sẻ cho báo chí dưới dạng cộng tác viên. Qua giới thiệu anh H. đã gặp một người tên Vinh số điện thoại 09833006xx và được ông Vinh hướng dẫn làm hồ sơ kèm theo lệ phí để được cấp thẻ.
Theo lời kể của anh H, sau khi anh nộp hồ sơ và nộp đủ số tiền là 8 triệu đồng cho người tên Vinh thì được cấp thẻ phóng viên của tạp chí Doanh nghiệp & Thương hiệu do ông Trần Đức Trung ký.
Anh H. khẳng định chưa gặp ông Trần Đức Trung, cũng như cũng không biết việc cấp thẻ của ông Trung là trái quy định. Đồng thời, cũng khẳng định chưa sử dụng Thẻ phóng viên này vào một mục đích cá nhân nào.
PV tiếp tục gọi đến số điện thoại kể trên và người nghe xác nhận mình tên Vinh. Người tên Vinh nói "giai đoạn này đang rất khó khăn, ngặt nghèo trong việc làm thẻ".
Gần đây, cơ quan công an cũng đã xử lý một số đối tượng sử dụng “thẻ phóng viên” do một số tòa soạn cấp vào mục đích khác như xin xe vi phạm và các mục đích cá nhân khác. Việc cấp “Thẻ phóng viên” cho những người không hoạt động báo chí để sử dụng vào mục đích khác chính là tiếp tay cho những việc làm tiêu cực, đồng thời làm ảnh hưởng đến uy tín người làm báo, làm phương hại đến chính sách bảo hộ quyền tự do báo chí của Nhà nước.
Mặt khác, dư luận cũng đặt câu hỏi: Phải chăng đang có dấu hiệu trục lợi từ việc cấp “thẻ phóng viên” cho người không hoạt động báo chí? Trong trường hợp thẻ của anh Trịnh Q.H, ông Trần Đức Trung sẽ giải thích thế nào về chữ ký và con dấu của mình trên tấm thẻ này?
Được biết, anh Hưng đã có đơn gửi các báo đài, trong đơn cũng đề gửi tới phòng Cảnh sát điều tra CA Tp Hà Nội, nộp kèm thẻ gốc để phục vụ cho việc xác minh của các cơ quan chức năng.
Ảnh đơn tường trình của anh Trịnh Q.H về việc "được" cấp "Thẻ Phóng viên" |
Trước đó, Báo điện tử Infonet đã phản ánh về các dấu hiệu vi phạm của ông Trần Đức Trung và Trung tâm Hỗ trợ người nghèo. Dấu hiệu vi phạm thể hiện rõ ở đây là lập quỹ trái phép không theo quy định của Nghị định số 30/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và Thông tư số 02/2013/TT-BNV quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định số 30/2012/NĐ-CP.
Dấu hiệu vi phạm còn thể hiện ở việc kinh doanh tài chính trái phép, cụ thể thu hút tiền đầu tư, phát triển thành viên theo kiểu đa cấp mà không có các mặt hàng kinh doanh, (thu tiền người này trả cho người khác…). Theo tài liệu có đóng dấu và chữ ký của bà Lê Hằng, mà ông Trần Đức Trung cung cấp cho PV Infonet ghi rất rõ chính sách giới thiệu 1 người được “hỗ trợ” 500.000 đồng. Trong khi, trung tâm không kinh doanh sản phẩm gì để "tiền đẻ ra tiền" nhưng lại “hứa” trả tiền hỗ trợ “khủng” gấp khoảng 4 lần.
Bên cạnh đó, có nhiều bằng chứng, thể hiện dấu hiệu “mạo danh” các lãnh đạo, tổ chức nhằm mục đích để thu hút tiền của người dân. Cụ thể, “mạo danh” thứ trưởng Bộ Công An, mạo danh phó tổng biên tập báo Nhà Báo & Công luận, phát tán các thư kêu gọi của một số lãnh đạo ban ngành…
Theo luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư Tp HCM) vụ việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, các cơ quan cần điều tra làm rõ...
Bộ Công an cũng đã có thông báo và chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trên cả nước cảnh báo về việc thời gian qua, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện một số tổ chức, cá nhân lấy danh nghĩa là cán bộ của Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới để tổ chức tuyên truyền, lôi kéo người dân hưởng ứng, tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam”.
Văn bản của Bộ Công an vạch rõ, thủ đoạn chính của các đối tượng là dùng kinh tế để lừa gạt người dân đăng ký tham gia hội viên. Sau khi người dân đăng ký, các đối tượng yêu cầu phải đóng tiền hàng tháng từ 1.200.000 đồng đến 7.500.000 đồng và hứa sau một năm, hội viên sẽ được nhận lại hàng tháng từ 5.400.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Ngoài ra, nếu hội viên nào vận động được người khác cùng tham gia, thì cứ thêm một người được thưởng ngay 500.000 đồng.
Đáng chú ý, có địa phương, các đối tượng đã vận động được rất đông người tham gia; một số người dân sau khi đóng tiền nghi ngờ mình bị lừa đã trực tiếp đến các Văn phòng đại diện của trung tâm đòi lại tiền nhưng đều không được trả lại nên rất bức xúc, thậm chí có hoạt động gây phức tạp về an ninh trật tự.
Thông báo nhắc nhở người dân, để không trở thành nạn nhân hoạt động lừa gạt của nhóm đối tượng lợi dụng danh nghĩa Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, đề nghị quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện, cung cấp thông tin về các hoạt động có dấu hiệu lừa gạt và tố cáo các hoạt động lừa gạt của các đối tượng với chính quyền, đơn vị Công an cơ sở gần nhất để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý.