Vụ nổ súng ở Thái Bình được đưa ra trước UBTV Quốc hội
Đồng tình với phương án thu hồi đất để phục vụ cho phát triển KTXH, tuy nhiên để tránh thu hồi đất tràn lan, theo Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển, trong luật nên quy định hạn mức trong từng cấp một. Ví dụ Quốc hội, Chính phủ, HĐND thì được quyết định thu hồi đất ở mức nào. Cái này Chính phủ cũng đã có quy định, nhưng cần cụ thể hơn nữa.
PCT Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị trên cùng một dự án chỉ đền bù một loại giá. |
Đồng tình với chủ trương Nhà nước định đoạt, điều tiết giá, tuy nhiên theo ông Hiển, việc điều tiết phải tính đến yếu tố có thể điều tiết cho người dân. Ví dụ khung giá đất đó chỉ 300 nghìn/m2, nhưng khi đầu tư hạ tầng lại có thể lên đến hàng chục triệu/m2. Nhà nước cần tính đến tỷ lệ nào đó để hỗ trợ cho người dân ngoài việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, tái định cư…
Ngoài ra đối với loại đất không phải do Nhà nước đầu tư cũng cần điều tiết, phân chia thế nào để đảm bảo lợi ích của người dân, Nhà nước và DN.
Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phản ánh thực trạng hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi ít được quan tâm, cần nghiên cứu lại điều 208.
“Nhận nhà, đóng tiền xong họ làm gì để sống? Nhiều người dân được hứa hẹn sẽ vào làm việc tại KCN, nhưng thực tế có được bao nhiêu người? Hứa xong lại tìm cách loại bỏ họ” – bà Mai nói.
Đề cập đến chính sách thu hồi cũng như giá đền bù, dẫn lời bác Hồ nói “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng nêu: "Công bằng ở chỗ nào? Tôi nghĩ muốn công bằng phải phân định rõ, người dân đang ở mảnh đất này thì được quyền gì, khi trả lại đất thì họ được quyền gì. Lúc đó người dân sẽ thấy họ được đối xử công bằng”.
Dẫn dụ vụ hung thủ bắn cán bộ phụ trách giải phóng mặt bằng ở Thái Bình, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, vấn đề thu hồi, đền bù rất phức tạp. Người dân bỏ ra nhiều công sức, nhưng đến khi thu hồi đất lại mất hết cả, nên phải có hình thức đền bù cho người dân, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra như vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn, ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
Luật đất đai sửa đổi sẽ trình để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6. Ảnh internet |
Cho rằng Chính phủ quy định giá đất sẽ đảm bảo sự công bằng, song ông Phúc cũng khuyến cáo, cần hết sức lưu ý về điều khoản thi hành giữa luật cũ và luật mới. Điển hình như trường hợp đang thu hồi đất thì Luật mới có hiệu lực. Nếu thực hiện đền bù theo phương án trước thì rất khó, vì Luật mới quy định mức giá sẽ cao hơn luật cũ. Chỉ một ngày giá chênh nhau như vậy sẽ không ổn, cần tính toán thêm.
Trải qua tới 3 kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói, điều đó cho thấy Quốc hội, Đảng, Chính phủ nhận thức rất rõ tầm quan trọng của Luật này, bởi nó liên quan mật thiết đến đời sống người dân, đến ổn định chính trị đất nước. Nếu giải quyết tốt sẽ ổn định xã hội, vì khiếu kiện, khiếu nại cũng chủ yếu từ đất đai.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và quyết tâm thông qua tại kỳ họp này, không trì hoãn nữa. Tuy nhiên, nếu Hiến pháp chưa thông qua thì luật này cũng “đứng”. Vì thế Quốc hội sẽ thông qua Hiến pháp trước, đất đai sau.
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, vấn đề giao đất, cho thuê đất có vấn đề cần phải được làm rõ. Ông đưa ra ví dụ: “Tôi đi công tác ở Nha Trang, một người làm ở công ty truyền tải điện nói, muốn đóng một chiếc cột chỉ dăm ba m2 nhưng phải chờ hàng năm trời. Vì đụng đất lúa nên phải chờ ý kiến của Thủ tướng. Như vậy là rất bất hợp lý”.
Ông Lưu cũng đề nghị khi đền bù phải căn cứ vào mục đích sử dụng của dự án. Trên cùng một dự án, dù có thể được sử dụng và những mục đích khác nhau, nhưng chỉ nên đền bù một loại giá mới đảm bảo sự công bằng cho người dân.
Dự thảo Luật đất đai sửa đổi sẽ được trình để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 này.