Vụ Minh béo bị bắt: Thạc sĩ luật tại Đức phân tích về quyền hình ảnh
Để bạn đọc có thể hiểu hơn về sự khác biệt của luật châu Âu, của Mỹ, với luật pháp Việt Nam, đồng thời có những lời khuyên cho người Việt khi đi du lịch, sinh sống tại nước ngoài, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Trần Thu Giang, tư vấn viên tại Ủy ban Liên minh châu Âu (EC), về vấn đề này.
Minh béo |
Thưa thạc sĩ, vụ việc Minh béo tại Mỹ bị bắt, hiện tại không chỉ nhìn ở góc độ Truyền thông, dư luận mà còn được nhìn nhiều ở góc độ so sánh luật. Là luật sư ở châu Âu, luật sư có chia sẻ gì về vụ việc này?
Pháp luật và truyền thông báo chí luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Theo cá nhân tôi, vụ việc Minh béo là một dẫn chứng cho thấy công dân cần được trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật và thủ tục tố tụng, đặc biệt là công dân Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài.
Tuy hệ thống pháp luật và trình tự tố tụng ở các quốc gia có nhiều điểm khác nhau, nhưng trên nguyên tắc các quyền con người cơ bản, đặc biệt là quyền riêng tư trong tố tụng hình sự nói riêng và tố tụng tư pháp nói chung đã được ghi nhận một cách chung và rộng rãi trên thế giới.
Thạc sĩTrần Thu Giang, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, hiện là tư vấn viên tại dự án rà soát Luật Thuế và Thuế giá trị gia tăng thuộc Tổng cục thị trường nội khối, công thương nghiệp và SMEs - DG GROW của Ủy ban Liên minh châu Âu (EC), cơ quan làm việc tại Đức. |
Có ý kiến cho rằng, việc đăng ảnh Nghi phạm Minh béo là khác thường trong thông tin báo chí về các vụ án ở các nước phát triển. Thạc sĩ có ý kiến gì về thông tin này?
Thông qua vụ việc của Minh béo, có thể thấy vấn đề đăng tải hình ảnh cá nhân trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội cần phải được nhìn nhận một cách thận trọng hơn. Trong vấn đề này, mặc dù pháp luật trong nước cũng như quốc tế không quy định cấm tuyệt đối nhưng cũng bao hàm những hạn chế nhất định trong việc truyền bá và đăng tải (như quyền đồng ý), đồng thời có các biện pháp tư pháp nhất định (như quyền yêu cầu gỡ bỏ, quyền yêu cầu đòi bồi thường v.v..) nhằm bảo vệ quyền riêng tư cá nhân không bị xâm phạm.
Thạc sĩ có thể chia sẻ kỹ hơn về nguyên tắc đưa hình ảnh nghi phạm ở Đức chứ?
Cộng hòa liên bang Đức được biết đến là một trong những quốc gia bảo vệ quyền riêng tư nghiêm ngặt nhất trong khối các nước liên minh châu Âu. Điều này thể hiện rõ thông qua Bộ luật về quyền riêng tư trong việc công khai hình ảnh cá nhân. Theo luật, việc đăng tải hình ảnh, hình chụp lên phương tiện truyền thông cần phải có sự đồng ý của người được chụp hoặc người xuất hiện trong bức hình, hay còn gọi là quyền đồng ý.
Tuy nhiên, quyền riêng tư “tối đa” này có một ngoại lệ được ghi nhận tại Phần 8, Bộ Quy tắc Báo chí Đức. Ngoại lệ này quy định việc đăng tải hình ảnh của một người lên báo chí hoặc phương tiện truyền thông là hợp pháp nếu người đó có hành vi xâm phạm đến lợi ích công, hay hành vi có tính chất hình sự.
Tuy nhiên, một lần nữa cần nhấn mạnh việc đăng tải này đồng thời phải dựa trên nguyên tắc được ghi nhận tại Phần 13 về “Giả định vô tội”. Cụ thể việc đăng bài, hình ảnh về vụ án hình sự đang trong quá trình điều tra, xét xử hoặc trong bất kỳ giai đoạn nào của thủ tục tố tụng không được phép mang tính chất định kiến, đặc biệt là khi tòa án chưa kết tội và người bị bắt mới thuộc diện là nghi can. Nguyên tắc giả định vô tội được áp dụng cho báo chí và truyền thông nói chung.
Trở lại với vụ Minh béo bị bắt, thạc sĩ có tư vấn gì cho những người Việt khi đến các nước như Đức, châu Âu để không vướng vào vấn đề pháp luật?
Người Việt Nam khi sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài, gặp vướng mắc về vấn đề pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự trước hết cần phải bình tĩnh và trang bị cho mình kiến thức về thủ tụng tố tụng ngay từ những giai đoạn đầu nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như quyền riêng tư của cá nhân.
Thông thường một vụ việc phát hiện sẽ được chuyển lên cho Viện công tố. Ngay tại thời điểm này, một khiếu kiện hình sự vẫn có thể được bãi bỏ dựa trên ba căn cứ. Căn cứ thứ nhất đó là không có đủ cơ sở để kết tội nghi can, căn cứ thứ hai đó là người bị bắt chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Và căn cứ thứ ba đó là chưa có đủ bằng chứng về “quyền lợi công” bị xâm phạm đủ để tiến hành tố tụng.
Những căn cứ này dẫn đến vụ việc được hủy bỏ vô điều kiện. Điểm cần lưu ý đó là, theo thủ tục tố tụng hình sự của đa số các nước châu Âu, đặc biệt là CHLB Đức, thủ tục "Schöffengericht" hay còn gọi là "thủ tục rút gọn" (cũng được quy định tại Điều 318 và Điều 319 Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam) được sử dụng một cách phổ biến. Theo đó, một vụ việc hình sự cũng có thể được khép lại một cách có điều kiện thông qua một cuộc đàm phán tại Viện Công tố.
Trên thực tế, theo thống kê năm 2006 của Viện Công tố Đức tại Berlin, thì có đến 22% các cáo trạng hình sự (đặc biệt là các vụ việc nhỏ) được hủy bỏ vô điều kiện và 5% cáo trạng được hủy bỏ có điều kiện, ngay từ Viện công tố.
Do đó, việc am hiểu và sự dụng tối đa quyền được bào chữa là chìa khóa giúp cho công dân có thể rút ngắn vụ việc và tránh khỏi những thiệt hại tư pháp không đáng có.
Xin cảm ơn thạc sĩ!