Vụ heo chứa chất cấm bán vào Vissan: Lòng tham quá độc ác!
Ngày 27/4, Thanh tra Bộ Nông nghiệp phối hợp Chi cục Thú y TP HCM tiêu hủy 80 con heo, có chứng nhận VietGap, nhiễm chất cấm Salbutamol.
Lô heo này do thương lái Nguyễn Văn Toàn nhập từ Đồng Nai về giết mổ tại công ty thực phẩm Vissan tại TP HCM.
Lô heo có nguồn gốc Đồng Nai, có chứng nhận nuôi theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh:Duy Trần Vnexpress |
Chi cục Thú y thành phố sau khi kiểm tra bằng phương pháp test nhanh đã phát hiện heo có chất tạo nạc Salbutamol gấp 5 lần cho phép.
Điều đáng nói là lô heo này lại có đầy đủ giấy tờ đạt tiêu chuẩn VietGap.
Theo quy trình chăn nuôi chuẩn VietGap được cơ quan chức năng kiểm soát nghiêm ngặt thì không có dư lượng kháng sinh, chất cấm. Cơ quan chức năng đang truy nguồn gốc, tìm chủ trang trại nuôi số heo này để có hình thức xử lý.
Đây là lần thứ 2 heo nhiễm chất cấm bị tiêu hủy. Trước đó, ngày 21/4, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp Chi cục thú y Tiền Giang tiêu hủy 11 con heo nhiễm chất cấm Salbutamol của ông Nguyễn Ngọc Lực, ngụ huyện Chợ Gạo.
Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, ông Hoàng Hồng Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay, việc cấp giấy chứng nhận VietGap không phải do Cục Chăn nuôi cấp mà do Sở NN&PTNT cấp, điều này đã được phân cấp cho tỉnh.
Trước việc có lô heo VietGap chứa chất cấm Salbutamol tuồn vào tận lò mổ Vissan, ông Vân cho rằng: “Cần phải xem kỹ có phải người chăn nuôi hay không bởi vận chuyển gia súc cũng có nhiều công đoạn. Tôi cũng đang làm việc với sở để xem tình hình cụ thể thế nào”.
PV Infonet liên hệ với ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở NN&PT Đồng Nai, ông Đạo cho hay: “Chúng tôi đang cho kiểm tra lại là do công đoạn nào. Họ xuất chuồng ra bán cho thương lái, việc thương lái có trộn hay không hay là do người nuôi. Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Công an để làm rõ điều này. Mình phải kiểm tra lại, nếu quản lý lỏng lẻo phải khắc phục còn nếu thương lái làm cũng phải xem lại quản lý ở khâu đó”.
“Họ xuất bán đi rồi, thương lái có trà trộn heo chứa chất cấm hay không thì phải làm rõ điều này”, ông Đạo nhấn mạnh.
Nói về việc heo có chứng nhận VietGap chứa chất cấm, Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT nói: “Lòng tham, sự độc ác của con người nằm ở đấy”.
“Đây là sự lừa dối bị ổi đối với dân. Anh đã lấy giấy chứng nhận VietGap nghĩa là được cơ quan quản lý tin tưởng, giao cho nhưng lại lợi dụng để tiêu thụ hàng hóa, trục lợi. Điều này rất đáng lên án, không phải sự tham lam bình thường mà là trục lợi trên sự tin tưởng của cơ quan quản lý nhà nước, quá độc ác”, ông Dũng bày tỏ.
Theo ông Dũng, sau khi cấp giấy chứng nhận VietGap, cơ quan quản lý cũng khó quản lý giám sát được việc này. Giống như cấp chứng nhận cho rau nhưng lòng tham trỗi dậy, nửa đêm người trồng có thể phun thuốc hoặc kích thích để bán được hàng. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức con người.
Trong sự việc lần này, ông Dũng cho rằng Vissan đã rất có trách nhiệm.
“Là một doanh nghiệp lớn, họ ý thức được và không buông xuôi chuyện này. Họ chấp nhận có thể bị ảnh hưởng nhưng không che giấu, họ tuyên chiến với chất cấm”, ông Dũng nói.
Cũng theo trưởng phòng Thanh tra, sắp tới đây, từ 1/7, khi Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực, hành vi sử dụng cất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự, phạt tù lên đến 20 năm. Với biện pháp mạnh, đánh vào kinh tế và hình sự hóa sẽ khiến người chăn nuôi, kinh doanh có ý định sử dụng chất cấm sẽ phải suy nghĩ lại, nhận ra vấn đề.