"Vụ con sinh đôi không cùng cha”: Không chỉ rõ ai, chẳng có gì phải bàn!
Câu chuyện người cha ở Hòa Bình nghi ngờ con song sinh không giống nhau. Khi xét nghiệm thì anh tá hỏa, 2 người con song sinh của anh không có cùng bố ruột. Câu chuyện này đã khiến nhiều người hết sức giật mình, một số người cũng hoảng hốt đi xét nghiệm.
Từ câu chuyện này, báo chí cũng có những tranh cãi về việc có nên đăng những bài báo này hay không? Có quan điểm cho rằng, không nên đăng tải những bài báo như thế này, vì nó khiến con người nghi ngờ lẫn nhau, thậm chí có người cho rằng, thông tin đưa ra sẽ ảnh hưởng đến nhân vật trong câu chuyện.
Ngược lại, một số ý kiến lại cho rằng, bài báo không vi phạm quy định của pháp luật và cũng không vi phạm chuẩn mực đạo đức.
Trung tâm xét nghiệm ADN công bố chuyện "sinh đôi khác cha" |
Trao đổi với Infonet, Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, bài báo này chẳng vi phạm đạo đức hay quy định của pháp luật. Có chăng, chúng ta nên xem cách đưa tin của báo chí nói chung, chuẩn mực nào cho một tin bài cụ thể. Chẳng hạn, bài báo này đưa tin song sinh khác cha nhằm mục đích gì? tuyên truyền được vấn đề gì? truyền tải thông điệp gì đến người đọc? Nếu đơn giản chỉ là một thông tin khoa học, chuyện hy hữu có khả năng và đã xảy ra trong cuộc sống thường ngày. Còn nếu, mục đích đưa tin này chỉ nhằm lôi kéo độc giả vì sốc, vì lạ hay vì để mục đích tiếp thị cho các dịch vụ xét nghiệm AND mà chỉ có nó mới phát hiện ra những khác biệt này.
Dưới đây là nội dung trả lời phỏng vấn của Luật sư Nguyễn Thế Truyền.
Thưa ông, được biết ông là luật sư tham gia vào nhiều vấn đề của giới truyền thông và báo chí. Xin ông cho biết quan điểm của mình đọc bài báo liên quan đến vụ xét nghiệm sinh đôi không cùng cha? Về mặt luật pháp, việc đăng bài như vậy có vi phạm gì không?
Ls Nguyễn Thế Truyền: Đứng ở góc độ là một độc giả khi tiếp cận thông tin từ bài báo liên quan đến vụ xét nghiệm của cặp song sinh không cùng cha thì ngay cả tôi và những độc giả khác cũng khá là bất ngờ khi ở Việt Nam xảy ra trường hợp hi hữu như vậy. Và tôi cũng chỉ dừng lại ở mức độ tiếp cận thông tin không có ý kiến gì hơn.
Còn về mặt pháp luật, cụ thể là Luật báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành tôi cho rằng việc đăng bài có nội dung như vậy không vi phạm pháp luật. Bởi một trong những quyền hạn của báo chí được pháp luật ghi nhận đó là được tự do ngôn luận trên báo chí và “thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân” (khoản 1 Điều 6 Luật báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999). Và bài báo cũng không vi phạm những điều mà pháp luật cấm không được thông tin trên báo chí. Cụ thể, Điều 10 Luật báo chí năm 1989 quy định những điều báo chí phải tuân thủ, đó là:
- Không được kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân ;
- Không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác ;
- Không được tiết lộ bí mật Nhà nước : bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định ;
- Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.
Quay lại với bài báo liên quan đến trường hợp sinh đôi không cùng cha đang nhắc tới ở đây, có thể thấy rằng thông tin bài báo đưa không vi phạm những điều cấm trong hoạt động báo chí, tôi cho rằng ở đây không có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Có ý kiến cho rằng, về mặt luật pháp bài báo không vi phạm gì, thông tin nhận rõ nhân vật là không có, do đó, nhân vật trực tiếp không bị ảnh hưởng, mà nhân vật khác bị ảnh hưởng. Ý kiến của ông thế nào?
Ls Nguyễn Thế Truyền: Như tôi đã trao đổi ở trên, những thông tin trong bài báo không vi phạm các quy định của pháp luật nói chung và của luật báo chí nói riêng. Bởi trong nội dung bài báo chỉ dừng lại ở phương diện phản ánh thông tin cho độc giả chứ không hề có lời bình gì liên quan đến vụ việc này. Do đó tôi cho rằng không nên đặt ra vấn đề ai sẽ bị ảnh hưởng từ những bài báo kiểu như thế này. Bởi nếu quan tâm đến vấn đề này thì chức năng phản ánh thông tin của báo chí sẽ không phát huy được hiệu quả.
Nhân vật khác ở đây cụ thể là ai? bị ảnh hưởng như thế nào? rõ ràng chưa thể chỉ ra được với trường hợp này! Nhân vật khác bị ảnh hưởng nào đó tôi không dám chắc nhưng có lẽ ở đây đang có sự suy đoán thiếu căn cứ, đọc báo xong lại nghĩ có khi mình sắp bị phát hiện, có khi 1 trong những đứa con đang nuôi không phải là con của mình. Tôi cho những nhân vật bị ảnh hưởng này hoàn toàn là do tưởng tượng mà ra. Nếu có bất kỳ cơ quan báo chí truyền thông nào đưa thông tin liên quan đến nhân thân của bạn làm ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến gia đình bạn, những đứa con của bạn thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động báo chí truyền thông đó. Bạn sẽ an toàn khi những thông tin, bí mật của bạn được chính bạn tôn trọng!
Cũng có ý kiến cũng đặt ra, cần phải đặt ra quy tắc nhân đạo khi xuất bản những bài báo thế này không?
Ls Nguyễn Thế Truyền: Nếu đặt vấn đề như câu hỏi của bạn tức là việc báo chí xuất bản những bài báo kiểu như vụ việc sinh đôi khác cha là không nhân đạo? Tôi cho rằng không đúng và cũng không cần thiết phải đặt ra quy tắc nhân đạo ở đây bởi báo chí bên cạnh việc phản ánh trung thực thông tin thì nó còn có ý nghĩa tuyên truyền, hướng mọi người có những ứng xử chân - thiện- mỹ hơn. Việc công khai những thông tin này khi chỉ rõ ai đó thì lại là chuyện khác hoàn toàn, phải được sự đồng ý thậm chí bằng văn bản của người nào đó, và còn phải phù hợp với quy tắc sử xự chung của toàn xã hội tại thời điểm đó, có những vấn đề tại thời điểm này là tội phạm, nhưng thời điểm khác thì lại không.
Nếu có. Chúng ta nên xem cách đưa tin của báo chí nói chung, chuẩn mực nào cho một tin bài cụ thể. Chẳng hạn, bài báo này đưa tin song sinh khác cha nhằm mục đích gì? tuyên truyền được vấn đề gì? truyền tải thông điệp gì đến người đọc? Nếu đơn giản chỉ là một thông tin khoa học, chuyện hy hữu có khả năng và đã xảy ra trong cuộc sống thường ngày. Còn nếu, mục đích đưa tin này chỉ nhằm lôi kéo độc giả vì sốc, vì lạ hay vì để mục đích tiếp thị cho các dịch vụ xét nghiệm AND mà chỉ có nó mới phát hiện ra những khác biệt này.
Về mặt xã hội có thể có những tác động xấu hoặc tốt khi những thông tin liên quan đến quyền con người, đến nhân thân của cá nhân, nhóm người nào đó thì việc truyền thông luôn cẩn trọng là điều cần thiết. Không vì mục đích lôi kéo độc giả mà cố tình vi phạm. Mọi vi phạm đều phải được xử lý, uy tín, giá trị thương hiệu là câu chuyện lớn mà các cơ quan báo chí truyền thông cần cẩn trọng!
Xin cảm ơn luật sư!