Vụ chặt 6.700 cây xanh: "Không thể cứ rút kinh nghiệm rồi lại vẫn thế"
Cho dù Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có quyết định dừng chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội, thế nhưng dư luận vẫn chưa nguôi về vấn đề này.
Cụ thể, tại buổi tọa đàm “Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” do Trung tâm con người và thiên nhiên phối hợp với Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng tổ chức vẫn có nhiều ý kiến mạnh mẽ từ các chuyên gia.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, việc chặt hạ cây xanh tạo ra sự bức xúc quá lớn, tới mức không thể hiểu được. Với 6.700 cây thì có nghĩa là 1/7 số cây xanh đô thị Hà Nội hiện nay bị thay thế, sẽ làm thay đổi cả bộ mặt đô thị.
Vị giáo sư cũng cảm thấy tiếc nuối khi hàng cây cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) cũng bị chặt để xây dựng tuyến đường sắt trên cao, cây thì chặt lâu rồi còn tuyến đường sắt bao lâu rồi vẫn chưa xong.
“Việc chặt cây không nằm trong quy hoạch tuyến đường này. Tôi nghĩ quy hoạch thì phải lâu dài. Chứ không thể có chuyện nay nghĩ quy hoạch này lại chặt cây, mai nghĩ quy hoạch khác lại chặt cây”, ông Dũng nói.
Nhiều ý kiến cho rằng Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc để làm rõ số lượng cây xanh đã bị chặt chính xác là bao nhiêu? (Ảnh: Vietq) |
Hơn nữa, theo ông Dũng, Hà Nội không quan tâm đến các nhà khoa học, nhân dân là điều rất khó hiểu. “Theo tôi, phải truy cứu trách nhiệm của những người đề xuất chủ trương này, chứ không chỉ là kiểm điểm, tạm đình chỉ công tác. Việc thanh tra hiện không phải là việc của Hà Nội bởi vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Việc này không chỉ là bức xúc của riêng của người dân Hà Nội mà còn là của người dân cả nước”.
“Hiện nay, truyền thông quốc tế cũng đã lên tiếng, tôi nghĩ rằng, việc Thanh tra này phải do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quyết định. Không thể cứ rút kinh nghiệm rồi lại vẫn thế, phải thanh tra để tìm đến người chịu trách nhiệm trong việc này, kể cả trách nhiệm của người đứng đầu Hà Nội”, ông Dũng kiến nghị.
Liên quan đến số lượng cây xanh đã bị chặt, ông Dũng cho hay, Hà Nội nói mới chặt 500 cây nhưng ông nghe là chặt 2.000 cây rồi, vì thế việc thanh tra này nếu là của Chính phủ thì sẽ làm rõ được con số chính xác bao nhiêu cây.
Mặt khác, vị Chủ tịch Hội này cũng chỉ ra rằng, việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội đã vi phạm nhiều quy định, trong đó có cả Luật Thủ đô, Nghị định 64/2010 của Chính phủ. Luật Thủ đô thì nghiêm cấm chặt phá rừng, cây xanh. Cùng với đó, để lập quy hoạch thiết kế đô thị của 4 quận quan trọng trong nội thành thì phải trình Thủ tướng xem xét quyết định.
GS. Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng thấy bức xúc, ông cảm thấy những ngày vừa qua Hà Nội đã mở một chiến dịch tàn phá cây xanh, có hàng cây tuổi thọ ngót trăm năm cũng bị chặt đi.
Liên quan đến việc lãnh đạo Hà Nội “đổ” cho việc thay thế cây xanh là do nhà tài trợ nôn nóng, việc thực hiện vội vã, ông Đăng cho rằng nói như vậy là chưa thấy được tác hại của việc chặt cây đối với xã hội, môi trường cũng như niềm tin của người dân.
“Theo tôi, sai lầm này xuất phát ngay từ việc xây dựng đề án, người duyệt đề án, một đề án hoàn toàn không có cơ sở khoa học và cơ sở thực hiện. Nếu dũng cảm, Lãnh đạo Hà Nội phải xin lỗi người dân vì làm việc này phản khoa học và không hợp với lòng dân, đồng thời phải dừng đề án này để sửa đổi, khắc phục hậu quả, xử lý những người liên quan, chứ không chỉ riêng Sở Xây dựng”, ông Đăng bày tỏ quan điểm.
Ông Đăng cảnh bảo: "Với cách làm này của lãnh đạo Hà Nội thì môi trường còn bị ô nhiễm và người dân Hà Nội còn bị khổ sở".
Sau khi đưa ra một loạt những tác dụng của cây xanh đô thị, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, đề án thay thế cây xanh cũng như những lời phát biểu của lãnh đạo Hà Nội như chưa hiểu hết chức năng của cây xanh đô thị. Dù việc quy hoạch là đúng, nhưng không phải cứ quy hoạch là chặt, là phá bừa bãi được.
Không chỉ vạch ra việc chặt hạ cây xanh vi phạm Luật Thủ đô, luật sư Trần Vũ Hải, Công ty Luật Hà Nội còn chỉ ra: “Tất cả cây xanh do Sở Xây dựng đề xuất chặt thậm chí còn không được cấp giấy phép, theo quy định, muốn có giấy phép phải trình hồ sơ, nói rõ hiện trạng của cây, đằng này chỉ có công văn nói cho phép chặt hạ. Như vậy, từ đầu đến cuối việc chặt cây xanh này không làm theo luật lệ nào cả".
“Đề nghị UBND TP. Hà Nội cho phép chúng tôi ngồi cạnh cùng đoàn thanh tra để có vấn đề gì về chuyên môn chúng tôi có thể góp ý và giám sát luôn. Phải làm rõ số lượng cây xanh đã chặt, tôi nghĩ có ý kiến nói phải đến hàng nghìn cây là có cơ sở, cần phải làm rõ”, LS Hải kiến nghị.