“VTV không bao giờ có chủ trương mời làm chương trình để thu tiền”
- Thời gian gần đây một số người phản ánh có tình trạng xưng danh người của VTV đi mời các đơn vị ký hợp đồng tuyên truyền dịp Đại hội Đảng các cấp. Việc này diễn ra như thế nào?
Bà Vũ Thị Thanh Tâm, Trưởng ban Kiểm tra VTV: Nắm được nhu cầu tuyên truyền của các địa phương, có một số cá nhân hoặc công ty truyền thông đã lợi dụng, liên hệ với các cơ quan, tự giới thiệu là người của VTV hoặc là công ty của VTV, đề xuất thu một ít kinh phí để sản xuất chương trình truyền hình và hứa hẹn phát lên các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam. Việc thu kinh phí họ nói là để nộp về Đài. (Thậm chí, nhiều trường hợp còn thông qua công ty truyền thông để xuất hóa đơn làm chương trình). Đây là hành vi mạo danh, vi phạm pháp luật. Có dấu hiệu của sự lừa đảo.
Còn đối với Đài Truyền hình Việt Nam, việc tuyên truyền hoạt động của các địa phương là nhiệm vụ báo chí. Thứ hai, Đài không bao giờ có chủ trương cho phóng viên đi liên hệ với cơ sở để bàn chuyện làm chương trình và thu kinh phí. Đài cũng không lập các công ty sản xuất chương trình và cũng không ủy quyền cho công ty truyền thông nào làm việc này.
Những cơ quan, đơn vị có nhu cầu phối hợp với Đài trong công tác tuyên truyền thì chủ động liên hệ, trao đổi, bàn phương án phối hợp với Đài, chứ Đài không cho phóng viên xuống cơ sở liên hệ để đặt vấn đề làm chương trình phát sóng tuyên truyền, sau đó đề nghị có kinh phí thế nọ thế kia.
Đài Truyền hình Việt Nam triển khai phương tiện kỹ thuật làm các chương trình lớn. |
- Vậy VTV phát hiện tình trạng trên từ bao giờ và qua kênh nào?
Việc này được chúng tôi phát hiện qua hoạt động tác nghiệp. Có những anh nhận đại, hứa đại như vậy. Nói là chúng tôi sẽ phát sóng kênh nọ, kênh kia để thu tiền nhưng rồi không thực hiện được. Do đó người ta liên hệ và phát hiện ra. Cũng có những nguồn tin các địa phương trao đổi lại mới phát hiện ra có việc như vậy.
Sau khi có được thông tin, chúng tôi ngay lập tức làm công văn báo cáo ban Tuyên giáo Trung ương và gửi các tỉnh thành trong cả nước để họ cảnh giác. Thực ra, việc này Đài Truyền hình Việt Nam đã nhiều lần có văn bản.
Trước đây, lợi dụng việc địa phương muốn sản xuất các chương trình để quảng bá tiềm năng kinh tế của địa phương. Một số trường hợp cũng về liên hệ với các địa phương để làm chương trình phát sóng VTV và bàn kinh phí sản xuất. Nắm được thông tin, chúng tôi cũng đã làm văn bản thông báo cho các địa phương.
Liều lĩnh hơn, một số người dán logo VTV vào xe ô tô vào mic phỏng vấn để dễ lừa. Đây chỉ là hành vi giả danh, việc sơn cái logo thế đâu có khó khăn gì, cho nên các cơ quan khi phóng viên đến làm việc phải kiểm tra thẻ nhà báo hoặc Giấy giới thiệu theo quy định, thì sẽ hạn chế được tiêu cực đó.
- Hiện nay ngoài VTV còn có một số kênh truyền hình khác cũng đang phát sóng trên VTV. Vậy VTV sẽ kiểm soát nhân viên ở những kênh này như thế nào?
Thực tế vừa rồi cũng không ít thông tin khi người ta phản ánh gặp đơn vị cơ sở làm chương trình thu tiền, sau khi tìm hiểu thì đúng như anh nói lại là người làm việc cho các kênh khác.
Hiện tượng này chúng tôi đã thông báo với cơ sở là VTV không có việc đó. Ai nói làm phát sóng VTV để thu tiền người đó là vi phạm và ảnh hưởng đến uy tín của VTV.
Còn đối với các đơn vị quản lý người của họ thì chúng tôi đã có công văn nhắc nhở, không được lợi dụng làn sóng, thương hiệu VTV để làm những việc sai. Nếu phát hiện vi phạm có thể báo với cơ quan chức năng.
Chúng tôi cũng đã cung cấp số điện thoại, địa chỉ mail của Ban Kiểm tra Đài Truyền hình Việt Nam để các đơn vị khi thấy có thông tin nghi ngờ có thể qua chúng tôi để tìm hiểu. Ví dụ, nếu có người đến đặt vấn đề thu tiền, hứa hẹn phát sóng… có thể thông báo cho chúng tôi để kiểm tra lại.
- Hiện nay VTV có hàng nghìn người, vậy trong các trường hợp các cơ quan nhà nước, người dân nghi có trường hợp giả danh thì sẽ phân biệt như thế nào?
Thứ nhất, việc đầu tiên người ta đến liên hệ là anh phải kiểm tra. Năm kia đã có trường hợp một nhân viên của công ty truyền thông cũng làm míc phỏng vấn gắn logo của VTV vào nhưng cuối cùng kiểm tra thì là của công ty truyền thông ở TPHCM.
Vì vậy, việc đầu tiên là phải kiểm tra cái tư cách của người đến làm việc. Đây là việc bình thường vì một người đến liên hệ làm việc, người ta phải tự giới thiệu chứ không thể thấy logo của VTV mà cho đó là người của VTV được.
Thứ hai, khi cảm thấy nghi ngờ thì chúng tôi đã cung cấp số điện thoại, địa chỉ mail, hoàn toàn có thể liên hệ với chúng tôi để kiểm tra lại. Còn nếu có chuyện phóng viên thật gợi ý với cơ sở để xin tiền thì báo chúng tôi để xử lý theo quy định.
- Trước hiện tượng thời gian gần đây liên tục có người giả danh đi làm chương trình, VTV có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?
Việc ngăn chặn thứ nhất đối với nội bộ, VTV đã quán triệt về mặt nguyên tắc. Việc này đã có chỉ thị của Tổng Giám đốc và quy chế quy định của Đài và quản lý của các Ban Biên tập.
Đối với bên ngoài chúng tôi có văn bản gửi cho tất cả các địa phương, Ban Tuyên giáo Trung ương để báo cáo có tình trạng như vậy. Tôi được biết các ủy ban nhân dân tỉnh khi nhận được văn bản của Đài đã làm văn bản gửi tiếp cho các huyện, các sở. Đồng thời, chúng tôi cũng đã phối hợp với bên cảnh sát nếu phát hiện trường hợp như vậy sẽ đề nghị họ phối hợp xử lý. Năm ngoái, năm kia cũng đã bắt được một vài trường hợp.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi.