VTV cùng nhiều đài, báo "nóng" với dự thảo Luật Báo chí
Luật Báo chí mới phải đáp ứng 5 yêu cầu
Sáng 21/5, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo Góp ý xây dựng Luật Báo chí. Đến dự có ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT; ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cùng đại diện của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đại diện tổ chức chính trị xã hội, các ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo sở TT&TT một số tỉnh phía Bắc, và một số cơ quan báo chí như Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết: Bộ TT&TT được giao chủ trì soạn thảo Luật Báo chí trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2015 để thông qua vào kỳ họp tháng 3/2016.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: B.M |
Qua tổng kết 15 năm thi hành và xu hướng phát triển của báo chí thời gian tới, đồng thời thể chế hoá các nguyên tắc, quan điểm của Đảng về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, Bộ TT&TT xác định việc xây dựng Luật Báo chí lần này phải đáp ứng các yêu cầu:
Thứ nhất, Luật Báo chí phải nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển đúng định hướng, đúng pháp luật, phục vụ có hiệu quả công cuộc công nghiệp, hiện đại hóa đất nước.
Thứ hai, triển khai thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, trong đó có quy định mới hết sức quan trọng đó là: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Vì vậy, Luật Báo chí mới phải đảm bảo những quy định trong luật đáp ứng tốt hơn nữa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin của công dân phù hợp điều kiện phát triển của đất nước.
Thứ ba, các quy định trong Luật Báo chí cần khắc phục những bất cập, những vấn đề chưa đầy đủ, chưa hoàn chỉnh, chưa đáp ứng được yêu cầu do sự phát triển nhanh chóng của tình hình mới ở trong nước và trên thế giới; đồng thời đảm bảo sự thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan, tạo điều kiện cho báo chí phát triển.
Thứ tư, khắc phục những mặt hạn chế, thiếu sót của hoạt động báo chí như trong thời gian qua do các quy định pháp luật còn thiếu hoặc chưa rõ ràng; đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ của các cơ quan báo chí, nhà báo; trách nhiệm của toàn xã hội đối với hoạt động báo chí, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ năm, việc xây dựng Luật Báo chí trên cơ sở tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí năm 1989, Luật sửa đổi, bổ sung năm 1999 và xu hướng phát triển của báo chí thời gian tới; cần cụ thể hóa và đưa vào luật các quy định đã thực hiện thời gian qua còn phù hợp mà trước đây được quy định tại các văn bản dưới luật; cố gắng cụ thế các quy định trong luật để có thể áp dụng ngay, tránh nhiều văn bản hướng dẫn.
Rất nhiều quy định mới
Cũng tại Hội thảo sáng nay, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, đại diện Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập đã chia sẻ những nét chính của dự thảo Luật Báo chí.
Cụ thể, dự thảo Luật Báo chí mới có 6 chương 58 điều, trong đó có 35 điều mới, 23 điều cũ có sửa đổi bổ sung.
Những quy định mới đáng chú ý gồm: Đối tượng áp dụng Luật Báo chí bao gồm cả những người liên quan đến hoạt động báo chí như cộng tác viên, nhân viên phát hành...
Bên cạnh những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí như làm giả, sửa chữa thẻ nhà báo; đăng phát nội dung đã bị xóa bỏ trên báo điện tử; nhập khẩu sản phẩm báo chí bị cấm... dự thảo Luật Báo chí còn quy định nghiêm cấm thông tin trên báo chí những nội dung tuyên truyền chống Nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc; kích động bạo lực, truyền bá tư tưởng phá hoại thuần phong mỹ tục; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật đời tư cá nhân, thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử...
Về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, dự thảo Luật quy định rõ một số đối tượng như cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp... Dự thảo Luật thể hiện thống nhất quan điểm Việt Nam không có báo chí tư nhân.
Về cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí không được kiêm nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan báo chí, ví dụ như Bộ trưởng không được kiêm nhiệm Tổng Biên tập, tránh tình trạng khó xử lý khi cơ quan báo chí.
Về thời hạn, hiệu lực của giấy phép cấp cho cơ quan báo chí, sau 90 ngày đối với báo in, báo điện tử, 180 ngày với báo nói, báo hình, nếu cơ quan báo chí không có sản phẩm báo chí thì giấy phép đương nhiên hết hiệu lực. Với các đặc san, ấn phẩm phụ, kênh phát thanh truyền hình mở thêm..., sau 60 ngày, nếu không có sản phẩm báo chí thì giấy phép đương nhiên hết hiệu lực. Hiệu lực giấy phép xuất bản đặc san không quá 12 tháng.
Về điều kiện hoạt động của văn phòng đại diện cơ quan báo chí, trưởng/phó văn phòng đại diện phải có thẻ nhà báo được cấp bởi cơ quan báo chí có văn phòng đại diện (không chấp nhận thẻ nhà báo được cấp bởi cơ quan báo chí khác).
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: B.M |
Nhiều ý kiến "nóng" của báo, đài, địa phương
Góp ý cho dự thảo Luật Báo chí, ông Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam lưu ý: "VOV có các hệ phát thanh, trong đó nhiều kênh, mỗi kênh có 1 tần số. Hiện chưa có khi 1 kênh phát FM có nhiều tần số thì xin phép thế nào. Ở Hà Nội, VOV1 phát ở tần số 100Mhz, nhưng sang tỉnh khác lại phải xin tần số khác. Đề nghị Ban Soạn thảo lưu ý tới vấn đề kênh, chương trình".
Về quy định trình độ yêu cầu đối với lãnh đạo cơ quan báo chí, ông Hải đề xuất chỉ cần ghi yêu cầu "trình độ đại học", không cần ghi "chuyên ngành báo chí". Bởi nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí hiện nay không học báo chí mà chỉ được đào tạo kỹ năng làm báo. Nếu quy định "chuyên ngành báo chí" thì tự nhiên nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí bị vi phạm luật.
Đại diện cho Thông tấn xã Việt Nam cũng đã nêu kiến nghị liên quan tới quy định về loại hình báo chí có tác động trực tiếp tới cơ quan mình. Theo đó, bản tin thông tấn trước là báo in, nhưng giờ đang chuyển dần sang phát tin online. Bởi vậy, không nên đưa loại hình thông tấn này vào báo chí in.
Một ý kiến nữa được đại diện Thông tấn xã Việt Nam đưa ra là dự thảo Luật Báo chí nên bổ sung quy định về các trường hợp phải cải chính trên báo chí, trong đó có trường hợp "thông tin gây hiểu lầm". Trường hợp này hiện đang phổ biến không kém "thông tin sai sự thật", cũng gây tổn hại nhiều về uy tín, danh dự, kinh tế cho đối tượng bị ảnh hưởng.
Một trong những cơ quan báo chí có nhiều ý kiến đóng góp nhất Hội thảo sáng nay là Đài Truyền hình Việt Nam. Đại diện cơ quan này đã đưa ra một loạt kiến nghị, đề xuất. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất quy định rõ hơn khái niệm về liên kết, cụ thể “liên kết là cùng hợp tác sản xuất và phân chia lợi nhuận”. Bổ sung hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan và các quy định khác của Luật Sở hữu trí tuệ vào "Các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí".
Đặc biệt, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam nhấn mạnh tới những quy định về liên kết trong hoạt động báo chí. Đại diện này chia sẻ: "Một số chương trình liên kết có cái sai. Chúng tôi xác định sai thì phải sửa và đang ngày càng quản lý chặt hơn. Nhưng cần lưu ý VTV có 6 kênh thì đang có tới 4 kênh quảng bá. Đài đều tự túc về kinh phí để sản xuất, không thu phí của khán giả.
Có nguồn tiền từ hoạt động liên kết chương trình thì chúng tôi mới có thể có đội ngũ phóng viên, biên tập viên có mặt ở các điểm nóng trên thế giới; hoặc đầu tư trang thiết bị để truyền hình trực tiếp từ biển đảo. Nếu hạn chế quá chặt các chương trình có nguồn thu cao thì sẽ hạn chế khả năng thực hiện các chương trình công ích chính trị.
Chúng tôi cho rằng phải quản lý hoạt động liên kết truyền hình nhưng không nên hạn chế sự phát triển. Truyền thông ngày càng phát triển, công nghệ rất mau lạc hậu. Ngành truyền hình rất khó khăn nếu không tự túc được về kinh phí để sánh vai với các cơ quan truyền thông quốc tế khác".
Một số đại diện của các sở TT&TT như Quảng Trị, Thanh Hóa, Bắc Giang cũng đã chia sẻ những ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Báo chí. Trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải quản lý chặt chẽ hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương. Một số tờ báo của địa phương này thì không nên đặt văn phòng đại diện ở các địa phương khác mà chỉ nên tập trung phản ánh hoạt động tại địa phương mình, theo đúng tôn chỉ, mục đích của báo.
Hội thảo kéo dài quá 12 giờ trưa mà vẫn còn nhiều đại biểu muốn tiếp tục phát biểu. Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định: "Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, đầy trách nhiệm. Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý. Qua Hội thảo đã thấy có nhiều nội dung mới, phải suy nghĩ, sửa chữa, làm sao để có được văn bản dự thảo trình chỉn chu hơn, đầy đủ hơn.
Bộ TT&TT mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý hơn nữa trên Cổng thông tin điện tử và các kênh tiếp thu ý kiến khác nữa về dự thảo Luật Báo chí. Một Hội thảo tương tự dành cho các cơ quan, đơn vị ở khu vực phía Nam sẽ được tổ chức vào ngày 28/5 tới đây".