Vỡ lở đại gia, đại án: Chỉ đi buôn hàng cấm mới lãi khủng!
Ông Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm về vụ đại án trong lĩnh vực tài chính ngân hàng: vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng gây rúng động dư luận thời gian qua.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Theo ông, lỗ hổng trong công tác giám sát ngân hàng tại vụ án Huỳnh Thị Huyền Như thể hiện như thế nào?
Tôi không có đầy đủ tài liệu về vụ án này, cần tham khảo ý kiến của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề ở vụ Huỳnh Thị Huyền Như là việc giám sát của cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các chi nhánh tại các địa phương là vẫn còn lỏng lẻo.
Vụ án này không phải là trường hợp cá biệt mà trước đấy đã có nhiều trường hợp, cả về trong lĩnh vực thương mại. Chẳng hạn như nhận tiền mua ô tô ở thời điểm cao nhưng lại viết phiếu biên lai tại đại lý, nhập nhèm đưa vào. Họ lợi dụng những quy định bị vênh giữa các luật với nhau để căn cứ vào đó mưu lợi cá nhân, khi xảy ra sự cố họ vẫn thoát trách nhiệm phải đền bù tài sản.
Vấn đề ở đây phải quay trở lại slogan "người tiêu dùng thông minh", tức là khi bỏ tiền ra thì phải có trách nhiệm với đồng tiền của cá nhân mình, xem liệu nó có được đảm bảo bởi các văn bản pháp luật hay không.
Như ông nói rõ ràng đã có một lỗ hỏng lớn trong hệ thống giám sát của nhà băng nơi Huỳnh Thị Huyền Như làm việc nên mới dẫn tới sai phạm lớn như vậy. VietinBank có trách nhiệm gì trong vụ việc này, thưa ông?
Không ai nói VietinBank không liên quan trong vụ này. Nhưng vấn đề, theo Luật các tổ chức tín dụng thì trách nhiệm của VietinBank ở mức độ nào. Có phải trách nhiệm VietinBank phải đền bù hay không, hay đây là trách nhiệm của cơ quan tổ chức cán bộ? Bây giờ phải chờ tòa án tuyên mới biết được.
Thị trường tài chính Việt Nam lại rất nhạy cảm, qua vụ việc này, lòng tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng có bị lung lay hay không, theo quan điểm của ông?
Tôi nghĩ là không. Chúng ta phải xem lại biên lai giấy tờ có giá của Huyền Như đưa cho những người kia như thế nào?
Phải chăng vì khủng hoảng kinh tế dẫn tới những vụ đại án như trường hợp của Huỳnh Thị Huyền Như? Và ông nghĩ sao trước nhiều lo ngại những vụ đại gia, đại án tương tự sẽ tái diễn trong tương lai?
Tôi không cho là vì khủng hoảng kinh tế nên mới lộ ra những vụ đại án như của Huỳnh Thị Huyền Như. Bởi, đến một thời điểm nào đấy, những vấn đề hạch toán tài chính, hạch toán kinh tế của những giao dịch ngầm đó sẽ phải vỡ, không vỡ ngày hôm nay thì sẽ vỡ ngày mai, giống như kiểu “cái kim trong bộc lâu ngày sẽ lộ ra” vậy.
Chỉ đi buôn hàng cấm mới tạo ra lãi khủng. Nó không vỡ chỗ này sẽ vỡ chỗ khác, không vỡ ở bất động sản thì sẽ vỡ ở những giao dịch khác.
Trong vụ đại án Huỳnh Thị Huyền Như vấn đề nằm ở chỗ lổ hỏng lớn trong hệ thống giám sát tài chính quá lớn. Vụ đại án này bắt nguồn từ những giao dịch và tất cả mọi người đều xúm vào, hùn tiền vào bất động sản để mong là sẽ có được một lợi nhuận gấp nhiều lần. Nên khi thị trường bất động sản đóng băng và xuống đáy thì tiền của họ cũng “chôn” theo.
Từ những vụ đại án như của Huỳnh Thị Huyền Như hay bầu Kiên, theo ông bài học rút ra đối với việc giám sát trong hệ thống tài chính như thế nào?
Với vụ Huyền Như, đầu tiên phải nói đến công tác giám sát nội bộ của các tổ chức tín dụng là kém. Phải xem lại cơ cấu tổ chức bộ máy và dây chuyền hoạt động, các đại diện của các văn phòng, chi nhánh hoạt động như thế nào mà để một người có thể lũng đoạn được cả dây chuyền như thế mà toàn bộ những nhân viên làm cùng không phát hiện ra được?
Kế đến là trách nhiệm của các cơ quan giám sát bên ngoài, thực hiện chức năng giám sát Nhà nước về các hoạt động bình thường này. Các hoạt động này phải vào kế toán nội bảng mới giám sát được, chứ nếu để ngoại bảng thì chịu!
Thứ ba là tự mỗi người gửi tiền phải chịu trách nhiệm. Hơn 700 tỷ ACB gửi vào VietinBank có phải tiền của mười mấy người gửi đâu? Đây là tiền của ACB. Khi đồng tiền “không đi liền với khúc ruột” thì sẽ không quan tâm. Bây giờ có vấn đề là, lãi suất trên sổ sách và thỏa thuận ngoài sổ sách không giống nhau nên bên đại diện gửi tiền họ không quan tâm.
Phải nhiều yếu tố mới hình thành nên tội phạm, chứ một mình Huyền Như nếu không có sự giúp sức, vô tình hoặc cố ý của những người khác thì không thể làm nên chuyện. Gần 5.000 tỷ đồng (chưa trừ các tài sản đảm bảo) chứ có ít đâu!
Theo ông, trong trường hợp phải bồi thường thì khả năng hoàn trả có thực hiện được không với số tiền lớn như thế?
Vấn đề bây giờ là ai sẽ phải bồi thường số tiền gần 4.000 tỷ đó (sau khi đã trừ đi các tài sản đảm bảo). Ai sẽ chịu trách nhiệm? Ai bồi thường?
Sắp xét xử đại án Huỳnh Thị Huyền Như
TAND TP HCM vừa tống đạt quyết định đưa vụ án Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank chi nhánh TP HCM cùng đồng bọn ra xét xử. Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xem là một trong 6 đại án của cả nước trong năm 2013.
Trong vụ án này, TAND xác định nguyên đơn dân sự và người bị hại lên tới 15 đơn vị và cá nhân, trong đó có ngân hàng Á Châu, ngân hàng TMCP Nam Việt, ngân hàng TMCP Quốc tế- chi nhánh TP. HCM, công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông, công ty TNHH đầu tư Phúc Vinh, công ty CP đầu tư Thịnh Phát, công ty CPTM và đầu tư Hưng Yên, công ty CP đầu tư và Tm An Lộc, công ty cổ phần bảo hiểm Toàn Cầu, công ty cổ phần chứng khoán Saigonbank- Bera, công ty CP vận tải dầu khí Thái Bình Dương…
Theo cáo trạng Huỳnh Thị Huyền Như bị cáo buộc đã sử dụng 8 con dấu giả để lập chứng từ, hợp đồng chiếm đoạt số tiền cực lớn của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân với số tiền lừa đảo chiếm đoạt lên tới gần 4.000 tỷ đồng.
Phiên tòa sẽ được mở vào ngày 6/1/2014 và dự kiến kết thúc vào ngày 25/1/2014 do thẩm phán-chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Nguyễn Đức Sáu làm chủ tọa.