VKSNDTC: Án sơ thẩm vụ Huyền Như “vừa nhẹ vừa không đúng pháp luật”
Về tội danh “cho vay lãi nặng”, VKS cho rằng án sơ thẩm đã tuyên tịch thu số tiền thu lợi bất chính của Nguyễn Thị Lành và Phạm Văn Chí ít hơn rất nhiều so với cáo trạng quy kết. Cụ thể, đối với bị cáo Lành, án sơ thẩm chỉ buộc bị cáo phải trả lại 150 tỷ đồng (so với cáo trạng quy kết là 1.186 tỷ đồng). Trong khi đó, bị cáo Chí chỉ bị buộc tội dựa trên số tiền 570 triệu đồng (so với 5,9 tỷ đồng trong cáo trạng).
“Án sơ thẩm đã không phân tích, giải thích vì sao không chấp nhận số liệu của VKS” – đại diện VKS nói và đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét buộc Lành phải nộp số tiền thu lợi bất chính là hơn 1.186 tỷ đồng, Chí phải nộp lại số tiền 5,9 tỷ đồng.
Nhiều bị cáo xin được giảm nhẹ hình phạt. |
VKS cũng kiến nghị HĐXX xem xét khởi tố vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Hoàng Minh (hai người nguyên là Phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh TP.HCM), và làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên Giám đốc Vietinbank Chi nhánh TP.HCM).
Trước đó, VKS cũng đã lần lượt xem xét, nêu quan điểm về những kháng cáo của các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị của các đương sự về giải tỏa kê biên các tài sản mình đứng tên.
Với bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, bị tuyên 20 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”), đại diện VKS cho rằng không có tình tiết mới nên không có cơ sở xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bên cạnh đó đại diện VKSNDTC cũng đề nghị bác kháng nghị tăng hình phạt với bị cáo Tuấn của VKSND TP.HCM.
Trong khi đó VKSNDTC đồng ý với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phạm Anh Tuấn (nguyên Tổng giám đốc Công ty vận tải dầu khí Thái Bình Dương, bị tuyên 14 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”) vì bị cáo đưa ra tình tiết mới là “gia đình có công với cách mạng”.
Tuy vậy VKS đã phân tích và bác bỏ kháng cáo của vợ Phạm Anh Tuấn xin bỏ kê biên đối với căn nhà tại quận 1. Vị đại diện cho rằng kháng cáo này không có căn cứ và số tiền sai phạm của bị cáo Tuấn là đặc biệt lớn nên cần tạm giữ tài sản để đảm bảo thi hành án.
VKS cũng đề nghị tăng hình phạt với bị cáo Đào Thị Tuyết Dung (bị tuyên 12 năm tù về hai tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "cho vay nặng lãi". VKS cho rằng án sơ thẩm “vừa nhẹ vừa không đúng pháp luật”. Trong khi đó VKS chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Huỳnh Mỹ Hạnh (chị gái Huyền Như, bị tuyên 14 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”).
Với kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thiên Lý (2 năm tù về tội “cho vay lãi nặng”), vị đại diện VKS cho rằng có cơ sở vì kết quả án sơ thẩm có sự chênh lệch lớn về số liệu với kết quả điều tra và còn số liệu chưa làm rõ, do đó đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra lại .
Riêng đối với kháng cáo xin giải tỏa kê biên sổ tiết kiệm trị giá 19 tỷ đồng của bà Nguyễn Thị Kim Bình (cháu bị cáo Lý), VKS cho rằng không có cơ sở nên đề nghị HĐXX tiếp tục giữ kê biên.
VKS tuyên bố bác bỏ kháng cáo của các bị cáo Lương Thị Việt Yên, Hồ Hải Sỹ, nhưng chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Thị Ngọc Lợi (nguyên là 3 cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch Võ Văn Tần, thuộc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè). Tuy nhiên VKS không chấp nhận đề nghị được hưởng án treo của bị cáo Lợi.
Chiều 24/12 phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.