Vietnam Airlines lý giải việc giá cổ phiếu thua xa Vietjet Air 100.000 đồng/cp
Hãng hàng không Vietnam Airlines |
Giá cổ phiểu khoảng 28.000 đồng là sát thực tế
Trước câu hỏi tại sao giá cổ phiếu của Vietnam Airlines hiện nay chỉ khoảng 28.000 đồng/cổ phiếu trong khi hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air lại có mức khoảng 128.000 đồng mỗi cổ phiếu, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiến đã đưa ra lý giải tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP - Vietnam Airline (mã HVN) ngày 20/6.
Theo ông Hiến, giá trị cổ phiếu phu thuộc nhiều yếu tố trong đó là chất lượng, hiệu quả kinh doanh, nhu cầu và tính thanh khoản của thị trường. Nhiều trường hợp do số lượng cổ phiếu lưu hành ở bên ngoài chỉ chiếm số ít nên nhiều khi giá cổ phiếu không đại diện cho giá trị doanh nghiệp.
"Tôi cho rằng giá cổ phiếu tương đối ổn định, bởi 86% cổ phần đang do nhà nước nắm giữ, bên cạnh đó còn một số cổ đông chiến lược lớn cũng đang giữ cổ phiếu HVN", ông Hiến chia sẻ.
Ông cho biết, HVN là doanh nghiệp Nhà nước mới được cổ phần hoá, khi IPO năm 2014 mức giá 22.300 đồng/cổ phiếu đã được thẩm định của các tổ chức tư vấn quốc tế. Đến tháng 1/2017, khi HVN lên sàn upCom trở thành công ty đại chúng, lại được các công ty tư vấn tài chính xác định giá 28.000/cổ phiếu. Trong 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu dao động trong khoảng 25.000-29.000 đồng/cổ phiếu, chúng tôi cho rằng với tất cả các thông tin của doanh nghiệp, giá cổ phiếu HVN đang rất sát với chuẩn mực của hãng hàng không mang tính quốc tế”, ông Hiền nói.
Giá trị vốn hoá HVN khoảng 1,4 tỉ USD trong khi vốn của Thái Airways khoảng 1,174 triệu USD, Garuda của Indonexia có 670 triệu USD... "Nhìn vào tình hình doanh nghiệp chứ không nên so sánh với doanh nghiệp cùng ngành. Các nhà đầu tư khi mua cổ phiếu sẽ phải tự đánh giá tự xác định", ông Hiến trả lời.
Tại buổi họp cổ đông cũng đưa ra thắc mắc về việc hạch toán khi thực hiện nghiệp vụ Sale and Leaseback (mua bán lại máy bay) của Vietnam Airlines. Một số doanh nghiệp thực hiện hạch toán một lần để ghi nhận doanh thu, lợi nhuận khủng nhằm làm đẹp báo cáo tài chính như Vietjet Air. Theo đó cũng làm tăng giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp. Ông Hiến cho rằng, mỗi doanh nghiệp có cách hạch toán khác nhau, tuỳ vào mục đích thực hiện của từng doanh nghiệp. Vietnam Airlines thực hiện chủ yếu để tái cấu trúc lại nguồn vốn và tranh thủ cơ hội thị trường vốn ở lúc chi phí vốn thấp. Khi tiến hành. HVN phải đảm bảo giá bán bù đắp hết các loại chi phí có thể chênh ra khoản nhỏ khoảng tối đa 1%.
"Nếu bán giá máy bay giá càng cao thì tiền thuê phải trả trong 12 năm cũng phải cao. Đó là lựa chọn của doanh nghiệp, nếu muốn thu bây giờ giá cao thì phải trả giá thuê sau này cao và như vậy sẽ đẩy rủi ro về tương lai", vị kế toán trưởng Vietnam Airlines chia sẻ.
Hàng không giá rẻ sẽ có hồi kết
Cũng tại buổi họp, khi nói về chiến lược phát triển của Vietnam Airlines trước sự bùng nổ của hàng không giá rẻ với lợi nhuận hấp dẫn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Ngọc Minh cho biết: "Vietnam Airlines không phải công ty thấy người ta làm thế nào đi làm theo và cũng không phải không có chiến lược phát triển". Ông cho rằng, câu chuyện hàng không giá rẻ sẽ có hồi kết sau những bùng nổ, sát nhập.
Trước đây HVN cho rằng hàng không giá rẻ là xu hướng, nay đã thực sự hiện hữu ở Việt Nam. Ông Minh chia sẻ, từ những năm 1995 đơn vị này đã cử đoàn sang Skywest nghiên cứu, hiện nay, HVN xây dựng các sản phẩm từ đầy đủ đến sản phẩm giá rẻ.
Tuy nhiên, câu chuyện về hàng không giá rẻ sẽ có hồi kết, ban đầu là phát triển bùng nổ, M&A, và kết thúc sẽ chỉ có vài hãng thống lĩnh thị trường. "Một ví dụ điển hình như ở Châu Âu trước có 20 - 30 hãng giá rẻ đến nay cũng chỉ còn 2 hãng . Còn ở Đông Nam Á, hiện hàng không giá rẻ đang ở trong giai đoạn bùng nổ, kết cục ra sao sẽ theo quy luật thị trường", ông Minh chia sẻ.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines, Dương Trí Thành cũng cho biết, tổng thị trường giá rẻ chiếm 60% lượng khách, đó là khách hàng của thị trường 2-3 sao, còn Vietnam Airlines chất lượng dịch vụ đẳng cấp đúng giờ chiếm 40%. Đầu năm 2016, các hãng giá rẻ quốc tế chiếm khoảng 13% thị phần hàng không giá rẻ ở Việt Nam và tháng 5 tăng lên gần 20% gồm AirAsia, Tiger Airways, NockAir... và dự kiến sẽ tăng khoảng 30-40% trong 3 năm tới.
Chiến lược chung của Vietnam Airlines là quan tâm nhất tới thị trường quốc tế. Thị trường nội địa để phát triển thương hiệu kép, phát triển vừa đủ để giữ thị phần áp đảo. Vị Tổng giám đốc HVN cũng chia sẻ chú trọng mở các đường bay quốc tế. Trong 5 - 10 năm đầu sẽ chịu lỗ ở cả thị trưởng Indonexia, Singapore và cả Mỹ... nhưng sau đó sẽ có điều chỉnh.
"Vietnam Airlines phát triển ổn định, bền vững, không đi vào chỉ tiêu thị trường ngắn hạn", ông Thành khẳng định.
Giá dầu tăng 1 USD, giá chi phí tăng 220 tỷ đồng
Năm 2017, Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch với mức lợi nhuận trước thuế (hợp nhất) là 1.638 tỷ đồng, bằng 63% so với năm 2016. Trong đó, công ty mẹ đạt 1.256 tỷ đồng, bằng 73,4% so với năm 2016.
Tổng doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 87.900 tỷ đồng, tăng trưởng 22,7% so với năm 2016, doanh thu công ty mẹ đạt 66.872 tỷ đồng, tăng trưởng 14,5%.
Vietnam Airlines đưa ra một phương án thận trọng khi các yếu tố đầu vào trực tiếp ảnh hưởng tới lợi nhuận của hãng. Năm 2016 hãng hàng không được hưởng lợi từ việc giá nhiên liệu thấp với mức giá dầu bình quân 51,7 USD/ thùng trong khi năm 2017 giá dầu được dự đoán khoảng 64 USD/thùng.
Theo tính toán của Vietnam Airlines, giá nhiên liệu tăng 1 USD thì chi phí nhiên liệu vận hành cho gần trăm máy bay của hãng sẽ tăng khoảng 220 tỷ đồng/năm. Ngược lại, giá dầu giảm 1 USD, chi phí sẽ bớt được 220 tỷ đồng. Chưa kể, với hãng máy bay có nhiều đường bay quốc tế như Vietnam Airlines, tỷ giá USD lên cao cũng sẽ làm tăng chi phí của hãng này.