Việt Nam trong mắt báo chí quốc tế
Ẩm thực – Bánh mỳ kẹp thịt nướng
Đầu năm 2014, David Farley, phóng viên ẩm thực nổi tiếng của hãng tin BBC, đã có một bài viết về món bánh mỳ kẹp thịt nướng của Việt Nam mà anh cho là món bánh mì ngon nhất thế giới. Trong bài viết của mình, David kể về lần được thưởng thức chiếc bánh mỳ ngon nhất mà anh đã từng ăn tại một cửa hàng ở Phố Huế, Hà Nội.
Anh ca ngợi, món bánh đã kết hợp rất hài hòa giữa vị của bánh, thịt lợn, patê và rau, dưa. Chiếc bánh vừa mềm vừa giòn. Anh vô cùng yêu thích hương vị của chiếc bánh mì này.
David từng ăn bánh mì kẹp ở New York và nhiều nơi trên thế giới. Chúng rất ngon nhưng vẫn còn thua xa chiếc bánh mì mà anh được ăn ở Việt Nam.
Không chỉ ở Phố Huế, anh cũng không ngớt lời ca ngợi bánh mì của một cửa hàng ở khu phố Phan Châu Trinh, Hội An. Anh miêu tả chiếc bánh mì ở đây mềm mại, dễ cắn nhưng vẫn có độ giòn nhất định. Thịt lợn rất ngon, nước sốt có hai loại khác nhau tạo ra hương vị rất hài hòa.
Hồi tháng 10/2014, tờ Huffington Post của Mỹ còn có bài viết rằng, bí quyết tăng thêm hương vị của các món ăn Việt Nam nổi tiếng như phở hoặc bánh mỳ nằm ở các loại rau ăn kèm đa dạng với nhiều mùi vị riêng biệt. Bài viết còn giới thiệu 9 loại rau thường và rau ăn kèm thông dụng nhất tại Việt Nam.
Flappy Bird tràn ngập mạng truyền thông thế giới
Đầu năm 2014, chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện, Flappy Bird của nhà phát triển game độc lập Nguyễn Hà Đông đã trở thành trò chơi (game) được tải nhiều nhất trên cả App Store và Google Play. Trong 9 tháng ngắn ngủi, Flappy Bird đã có 50 triệu lượt tải về và nhận được hơn 90.000 người đánh giá.
Đây là một thành công hiếm gặp trong thế giới game. Flappy Bird đã trở thành tâm điểm của truyền thông cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau đó Nguyễn Hà Đông đã “khai tử đứa con tinh thần” của mình trước sự ngỡ ngàng của rất nhiều người.
Nguyễn Hà Đông nhiều lần giải thích rằng, anh gỡ bỏ Flappy Bird vì đó là trò chơi gây nghiện, không còn để giải trí, mà đã trở thành vấn đề gây hại, vì thế cần phải gỡ bỏ. Tuy vậy, nhiều người vẫn rất khó hiểu bởi vì thời điểm bị gỡ xuống, Flappy Bird đang quá nổi tiếng.
Tuy phổ biến chỉ trong một thời gian ngắn nhưng Flappy Bird đã tạo cảm hứng và đem lại hy vọng cho ngành phát triển game nói riêng và CNTT nói chung của Việt Nam, đồng thời cũng gây sự chú ý của cộng đồng thế giới đối với ngành công nghệ của Việt Nam.
Với thành công từ Flappy Bird, cuối năm 2014, Nguyễn Hà Đông được trang The Richest của Mỹ đưa vào danh sách 10 triệu phú USD làm giàu trong môi trường Internet từ con số không.
The Richest bình luận: “Nguyễn Hà Đông đã làm được việc khiến mọi nhà phát triển game mơ ước là tạo ra được một trò chơi có sức lan tỏa cao, khiến cả thế giới phải say mê và kiếm được hàng triệu USD từ môi trường Internet”.
Vẻ đẹp Việt qua con mắt nhiếp ảnh gia Pháp
Trước đây, Rehahn là chủ một doanh nghiệp in ấn. Lần đầu tiên Rehahn đến Việt Nam là vào năm 2007. Chính vẻ đẹp của Việt Nam đã níu chân anh và anh đã quyết định ổn định cuộc sống ở Việt Nam. Hiện anh đang sống cùng gia đình nhỏ của mình ở Hội An.
Ngoài việc kinh doanh một nhà hàng và một phòng trưng bày ảnh ở đây, Rehahn thường xuyên rong ruổi khắp các vùng miền, gặp gỡ và khám phá con người, đất nước Việt Nam. Thành quả của những tháng ngày rong ruổi đó là hàng vạn bức ảnh tuyệt đẹp về Việt Nam.
Năm 2013, nhiếp ảnh gia người Pháp Rehahn đã cho xuất bản một cuốn sách ảnh dày 140 trang mang tên “Vietnam-mosaic of contrasts”, trong đó giới thiệu 150 bức chọn lọc trong số 30.000 bức ảnh mà anh đã chụp đất nước và con người Việt Nam. Cuốn sách được chia làm 4 phần: Trẻ thơ, Người già, Phong cách sống, Phong cảnh. Sách được bán tại hơn 25 quốc gia trên thế giới như Pháp, Anh, Mỹ, Úc, Brazil, Chile, Mexico, Nhật Bản, Na Uy, Bỉ, Đức, Thụy Điển, Hungary, Ý, Bồ Đào Nha, Philippines, Trung Quốc...
Giải thích về tên quyển sách, Rehahn cho biết anh thích từ “mosaic” có nghĩa là tranh ghép. Đối với Rehahn, Việt Nam là một bức tranh ghép mà anh muốn dành cả đời để khám phá.
Những bức ảnh của Rehahn đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng thế giới. Qua các bức ảnh, Rehahn muốn gửi đến bạn bè thế giới về nét đẹp của con người Việt Nam, mang đến cho họ một cái nhìn chân thực và phong phú về Việt Nam. Rehahn cũng muốn người Việt Nam nhận ra vẻ đẹp của chính con người và đất nước mình.
Những bức ảnh của Rehahn đã xuất hiện trên một số tờ báo nước ngoài uy tín trong năm 2014.
Vịnh Hạ Long lung linh trên báo Mỹ
Hồi tháng 12/2014, tạp chí du lịch Mỹ Condé Nast Traveler đã đăng tải bộ ảnh Vịnh Hạ Long trong gam màu đen trắng tuyệt đẹp của nữ nhà báo tự do người Mỹ Lucy Sexton đang sống và làm việc tại Hà Nội. Tác giả cũng khuyến khích các du khách khám phá Vịnh trong những ngày đông lạnh giá để tìm ra những điều rất thú vị. Theo Lucy, thay vì đi trượt tuyết vào ngày nghỉ cuối tuần, du khách nên thử cảm giác thú vị trên Vịnh Hạ Long, một trong những kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Đi du thuyền, du khách có thể thưởng thức được cảnh dòng nước trong xanh và những hòn đảo đá vôi kỳ vĩ.
Ngoài ra, Lucy còn giới thiệu cho du khách các hoạt động khác khi thăm vịnh như tìm hiểu cuộc sống ngư dân, chiêm ngưỡng các hang động đá vôi, thưởng thức hải sản, tập thái cực quyền lúc bình minh và ngắm bầu trời đêm tuyệt đẹp trên du thuyền.