Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban giám đốc Liên đoàn các nhà báo ASEAN
Các đại biểu tham dự Hội nghị sáng 12/9 |
Tại hội nghị, ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết, kể từ Đại hội lần thứ 17 đến nay, Liên đoàn các nhà báo ASEAN đã có những hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên như điều lệ của Liên đoàn cách đây 40 năm đã chỉ rõ.
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, là mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới. Tuy nhiên tình hình vẫn có những khả quan khi kinh tế khu vực có những dấu hiệu hồi phục tích cực, ASEAN hiện đang được các cấp chính trị thúc đẩy cán mốc hình thành cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Vì vậy giới báo chí cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm thúc đẩy sự nghiệp phát triển của mỗi nước, góp phần xây dựng một ASEAN hòa bình, đoàn kết và ổn định.
“Trong sự nghiệp phát triển của mỗi nước, vai trò của báo chí hết sức quan trọng. Báo chí không chỉ phục vụ nhu cầu thông tin cho toàn xã hội, mà phải là cầu nối giữa nhà nước, chính quyền và nhân dân… Hội nhà báo Việt Nam sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa trong các hoạt động của liên đoàn để nâng cao vị trí của giới báo chí trong quá trình hình thành và phát triển cộng đồng ASEAN sau năm 2015.
Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, hàng năm, số lượng bản báo được phát hành ở Việt Nam khoảng 900 triệu bản, bình quân trên 7,5 bản báo/người/năm. Tỷ lệ hưởng thụ báo giữa thành phố, thị xã và vùng sâu, vùng xa và miền núi là 70%/30%. Việt Nam hiện có 67 đài phát thanh truyền hình, bao gồm: 02 đài quốc gia , 64 Đài phát thanh truyền hình địa phương.
Bên cạnh đó cả nước có 90 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Trong đó, có 40 cơ quan báo chí điện tử của Trung ương, các bộ, ngành; 26 cơ quan báo chí điện tử của địa phương và 24 cơ quan báo chí điện tử của các tổ chức xã hội.
Nhân lực làm báo tăng nhanh trong thời gian vừa qua, từ 25 nghìn người năm 2005 lên gần 40 nghìn người năm 2014, trong đó, có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, hầu hết các nhà báo có trình độ đại học trở lên…
“Để khắc phục, chấn chỉnh tình trạng nhiều ấn phẩm trùng lặp về nội dung thông tin, hiệu quả thông tin thấp cũng như tình trạng phân tán, lãng phí đầu tư xây dựng đài phát thanh- truyền hình ở nhiều tỉnh và thành phố, chúng tôi sắp ban hành Quy hoạch báo chí đến năm 2020. Theo đó, về báo chí in sẽ sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí; giảm tỷ lệ mất cân đối trong thụ hưởng các sản phẩm báo chí in giữa khu vực thành phố, thị xã và vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; phấn đấu đến năm 2020, các cơ quan báo chí tự chủ về tài chính…”.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, hàng năm Việt Nam còn đón hàng trăm nhà báo quốc tế đến Việt Nam thăm, viết bài, làm phim truyền hình; cử nhiều đoàn nhà báo, cán bộ quản lý báo chí Việt Nam tham dự hội thảo, giao lưu, khảo sát, học tập, phản ảnh các sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại, truyền thông tại Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Brunây, Malaixia, Indonesia, Mianma…
Tại hội nghị, các đại biểu đến từ các nước ASEAN Đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ cũng như vai trò quan trọng của nền báo chí cách mạng Việt Nam.