Việt Nam gia nhập IPU như thế nào?
Là cơ quan lập pháp của quốc gia độc lập có chủ quyền, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có đầy đủ điều kiện để gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới, phù hợp với Điều 1 và Điều 3 của Quy chế IPU.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầudự Đại hội đồng IPU-130. Giơnevơ, tháng 3-2014. Ảnh tư liệu IPU. |
Sau khi nghiên cứu Quy chế và Điều lệ, Quốc hội Việt Nam nhận thấy rằng tôn chỉ mục đích của Liên minh có lợi cho việc tăng cường hợp tác hòa bình giữa các dân tộc, củng cố và phát triển các thể chế dân chủ, điều đó phù hợp với đường lối chính trị của Quốc hội Việt Nam. Quốc hội cũng nhận thấy sự tham gia của mình vào Liên minh có thể góp phần vào việc thực hiện mục đích, tôn chỉ của Liên minh nên đã quyết định gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới.
Ngày 25 tháng 05 năm 1959, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia Đoàn Chủ tịch chủ trì phiên họp riêng để bàn việc gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới của Quốc hội nước ta. Cuối phiên họp, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn gồm 231 đại biểu Quốc hội nước ta để gia nhập Liên minh. Quốc hội cũng đã thông qua Nội quy và cử Ban chấp hành (gồm 16 người). Sau đó Ban chấp hành đã tiến hành các thủ tục cần thiết để gia nhập Liên minh. Nhưng lúc bấy giờ, tổ chức này bị các thế lực thù địch thao túng nên đã trì hoãn xem xét việc gia nhập Liên minh của Quốc hội nước ta. Trong khi đó, tại Hội nghị mùa Thu lần thứ 46 họp ở London tháng 09 năm 1957, Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới đã chấp nhận Quốc hội Việt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam) là thành viên Liên minh.
Nhằm tranh thủ tham gia các tổ chức quốc tế để đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa VI, ngày 23 tháng 12 năm 1978, trong phiên họp toàn thể tại Hội trường Ba Đình, sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Đối ngoại, Quốc hội đã thảo luận và tán thành việc gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới. Trên tinh thần đó, căn cứ vào Điều 53 của Hiến pháp năm 1959, ngày 3 tháng 2 năm 1979, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ quốc hội Trường Chinh đã ký Nghị quyết số 436 NQ/QHK6 về tán thành việc thành lập Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam để gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới.
Thực hiện Nghị quyết này, Đoàn Quốc hội Việt Nam gồm 267 đại biểu được thành lập để tham gia Liên minh. Đoàn đã họp để thông qua Nội quy và bầu Ban chấp hành gồm 17 thành viên do ông Xuân Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Chủ tịch. Sau đó, tháng 02 năm 1979, Ban chấp hành đã hoàn tất hồ sơ gửi Tổng Thư ký IPU Pio Carlo Terenzio, bày tỏ nguyện vọng gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới của Quốc hội Việt Nam.
Tại Hội nghị mùa Xuân của Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (kỳ họp lần thứ 124) tại thủ đô Praha, Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc sau này) từ ngày 16 đến 21 tháng 04 năm 1979. Hội nghị Ban chấp hành IPU lần thứ 180 (ngày 16-4-1979), đã nhất trí thông qua Nghị quyết chấp nhận Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới. Tiếp đó, trong phiên họp ngày 21-4 -1979, Hội đồng IPU đã xem xét báo cáo của Ban chấp hành và nhất trí thông qua Nghị quyết2, chấp nhận Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới.
Sau hơn 35 năm gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới, với tư cách một thành viên có trách nhiệm, bên cạnh việc tham gia đầy đủ và đóng góp tích cực tại các kỳ họp Đại hội đồng thường niên và nhiều hội nghị chuyên đề của Liên minh, Quốc hội Việt Nam đã chủ động đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng IPU-132 tại Hà Nội từ ngày 28 tháng 3 đến 1 tháng 4 năm 2015 với chủ đề: “Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015: Biến lời nói thành hành động”. Đây là sự kiện ngoại giao nghị viện đa phương lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Tại kỳ họp Đại hội đồng IPU-132 lần này các đại biểu sẽ thảo luận và thông qua nhiều văn kiện và nghị quyết quan trọng, đặc biệt là Tuyên bố Hà Nội, một văn kiện chính trị - ngoại giao có ý nghĩa rất to lớn. Tuyên bố Hà Nội là thông điệp hòa bình của Quốc hội và nhân dân Việt Nam gửi Quốc hội và nhân dân các nước trên thế giới. Thành công của Đại hội đồng IPU-132 sẽ góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện vị thế và tầm vóc của Việt Nam và là đỉnh cao của quá trình hội nhập quốc tế của Quốc hội nước ta./.