Việt Nam có thể khởi kiện Mỹ ra WTO?
Cá basa đông lạnh là mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của ngành thủy sản (Nguồn: TTXVN) |
Tháng 12/2015, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã ban hành Bộ quy định cuối cùng thanh tra cá da trơn họ Siluriformes (bao gồm cá tra, ba sa của Việt Nam) áp dụng cho các nước xuất XK cá da trơn sang thị trường Hoa Kỳ, có hiệu lực từ 1/3/2016, với 18 tháng chuyển đổi (đến 31/8/2017) để các nước xuất khẩu điều chỉnh hệ thống sản xuất trong nước phù hợp với quy định mới của Hoa Kỳ để được cấp chứng nhận tương đương và duy trì xuất khẩu cá da trơn vào thị trường này.
Trước tình hình này, giữa tháng 2/2016, Bộ NNPTNT đã thành lập đoàn liên Bộ do Thứ trưởng Vũ Văn Tám làm Trưởng đoàn sang Hoa Kỳ để làm việc với USDA, các tổ chức và cá nhân liên quan của Hoa Kỳ, đồng thời lập nhóm kỹ thuật để thảo luận chi tiết và làm rõ những vấn đề còn khác biệt trong cách hiểu, áp dụng và công tác chuẩn bị của Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu mới trong Bộ quy định cuối cùng để Hoa Kỳ cấp chứng nhận tương đương.
Sau đó, từ ngày 24-26/2/2016, đoàn cán bộ kỹ thuật của Cơ quan quản lý An toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sang Việt Nam để tiếp tục làm rõ nội hàm các quy định và trả lời thỏa đáng các câu hỏi do phía Việt Nam đưa ra nhằm duy trì XK sản phẩm cá tra, basa sang thị trường Hoa Kỳ.
Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết tại các buổi làm việc, đoàn Việt Nam bày tỏ quan ngại về việc áp dụng Bộ quy định cuối cùng có thể gây gián đoạn thương mại và làm ảnh hưởng tới đời sống và việc làm của hàng triệu nông dân, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng Hoa Kỳ, đồng thời có thể làm ảnh hưởng tới quan hệ thương mại nông sản hai chiều giữa hai nước.
Vi phạm WTO và TPP
Đoàn Việt Nam đề nghị phía Hoa Kỳ hỗ trợ kỹ thuật và tạo điều kiện để Việt Nam đáp ứng các yêu cầu do Bộ quy định cuối cùng đề ra, đồng thời đề nghị kéo dài thời gian chuyển đổi vì điều kiện sản xuất và trình độ phát triển có sự khác biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nên việc thực hiện Bộ quy định này với thời gian chuyển đổi 18 tháng là rất khó với Việt Nam, có thể gây gián đoạn thương mại cá tra, ba sa từ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch hiện tại trung bình khoảng 340 triệu USD/năm, làm ảnh hưởng tới hàng triệu nông dân nuôi cá và các doanh nghiệp xuất khẩu.
Đoàn Việt Nam cũng thông báo các quy định thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ mới ban hành không phù hợp với quy định của Codex về sản xuất và chế biến thủy sản, không cần thiết đối với sản phẩm cá tra, ba sa của Việt Nam đã có mặt tại thị trường Hoa Kỳ gần 20 năm, được người tiêu dùng Hoa Kỳ tin tưởng và không có rủi ro về an toàn thực phẩm.
Đây có thể coi là rào cản thương mại nhằm hạn chế xuất khẩu ca tra, ba sa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ và vi phạm các quy định của WTO và các cam kết trong Hiệp định TPP.
Nếu việc XK cá tra, ba sa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ bị ảnh hưởng, Việt Nam có thể xem xét khả năng khởi kiện Hoa Kỳ ra WTO, tuy nhiên đây sẽ là phương án cuối cùng, Việt Nam vẫn mong muốn Hoa Kỳ xem xét và bãi bỏ việc thực thi Bộ quy định cuối cùng này.
Tại các cuộc làm việc, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cam kết không làm gián đoạn xuất khẩu sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ và bày tỏ thiện chí mong muốn hai bên tăng cường hợp tác trong quá trình thực thi Bộ quy định.
Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ thảo luận về nội dung cụ thể của chương trình hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam sớm được công nhận tương đương với hệ thống giám sát cá tra của Hoa Kỳ để việc xuất khẩu cá tra, basa sang Hoa Kỳ không bị gián đoạn.
Dự kiến trong tháng 4/2016, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội thảo quốc tế về chương trình thanh tra cá da trơn tại Thành phố Hồ Chí Minh cho đại diện của 17 quốc gia hiện đang xuất khẩu cá da trơn sang Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi Bộ quy định này....
Con cá Việt Nam sẽ chật vật hơn nhiều
Bộ quy định cuối cùng thanh tra cá da trơn họ Siluriformes là một phần trong đạo luật Farm Bill 2014 của Mỹ. Theo đó, không chỉ áp dụng cho các sản phẩm nhập khẩu mà cả cá nuôi trồng đánh bắt nội địa nước Mỹ. Nhiều ý kiến lo ngại rằng với những yêu cầu ngặt nghèo mà phía Mỹ đưa ra, cá tra, cá ba sa của Việt Nam sẽ rất chật vật nếu muốn tồn tại được thị trường Mỹ.
Theo các quy định mới, thay vì áp dụng những tiêu chuẩn như GlobalGap hiện nay, các doanh nghiệp phải tuân thủ theo một hệ thống giám sát từ khâu con giống, nuôi… đến chế biến xuất xuất. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho hay, phía Việt Nam có thể đưa ra một hệ thống giám sát và được phía USDA công nhận là tương đương, doanh nghiệp nào đáp ứng được tức là đáp ứng đủ điều kiện để xuất khẩu cá tra sang Mỹ.
Dù vậy, phía Mỹ cũng có thể thanh tra những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Các doanh nghiệp phải cung cấp, tạo điều kiện cho các điều tra viên tiếp cận nhà máy, vùng nuôi và các doanh nghiệp phải bố trí nơi làm việc với các vật dụng cần thiết trong suốt quá trình làm việc.
Ngoài ra, phía Mỹ cũng yêu cầu hàng xuất khẩu phải tập trung vào một kho lạnh do USDA chỉ định để kiểm tra, tức là, quá trình vận chuyển sẽ phức tạp hơn, tốn nhiều chi phí hơn. Bên cạnh đó, các nhãn mác dán trên sản phẩm cũng phải được chấp nhận bởi USDA thay vì chỉ cần đáp ứng một số thông tin cần thiết theo yêu cầu của cơ quan chức năng Mỹ trước đây.