Viện Hải dương học Nha Trang níu chân khách du lịch
Viện Hải dương học nằm ở địa chỉ số 1, Cầu Đá, Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Viện được người Pháp xây dựng vào năm 1923 với diện tích rộng khoảng 20ha nằm gần vùng biển sâu thuận lợi cho việc nguyên cứu các loài sinh vật biển tại đây. Biểu tượng của Viện Hải dương học Nha Trang là loài cá Mao Tiên cực độc.
Đến đây du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng Bảo tàng sinh vật biển với trên 20.000 mẫu vật của hơn 4000 loại sinh vật biển và nước ngọt được sưu tầm, gìn giữ từ nhiều năm nay.
Nơi đây có trưng bày bộ xương cá voi khổng lồ dài gần 26m, cao 3m. Theo các nhà khoa học con cá này có cách đây hơn 200 năm.
Đặc biệt hơn, khi đến với Viện Hải dương học du khách sẽ có cơ hội được tận mắt chứng kiến những mẫu vật sống được nuôi thả trong bể kính. Có đến hàng trăm loài sinh vật biển quý hiếm đang được nuôi giữ tại đây như: cá mập, rùa biển, cá chình, cá hoàng hậu, tôm hùm, cá mặt quỷ, hải cẩu,...
Du khách đến Viện Hải dương học Nha trang cũng được tận mắt ngắm loài cá Mao Tiên – một loài cá xinh đẹp được xếp vào loại bậc nhất của biển. Cá Mao Tiên có màu sắc chủ đạo là nâu đỏ và vàng cùng 2 vây trước xòe rộng, vây lưng tủa ra 13 chiếc gai độc để tự vệ, vây đuôi mỏng, trong suốt với những chấm đỏ cùng thân hình mềm mại rất đẹp trong như một nàng tiên kiều diễm đang nhảy múa giữa lòng biển sâu thẳm.
Dưới đây là một số hình ảnh về Viện Hải dương học Nha Trang:
Mẫu phẩm cá mập |
Mô hình rùa biển. |
Cá dao - cá sống theo đàn, đầu hướng xuống dưới khi bơi giúp chúng nguỵ trang, trú ẩn trong các rạn san hô hoặc thảm cỏ biển. Khi gặp nguy hiểm, cá chuyển cơ thể theo hướng ngang và di chuyển với tốc độ nhanh ngạc nhiên. |
Cá mó môi dày - cá có phần môi rất dày, màu sắc thay đổi tuỳ theo sự phát triển của từng giai đoạn. Cá trưởng thành sống ở độ sâu khoảng 30m, thức ăn chính là các loài nhuyễn thể, giun nhiều tơ và một số loài sao biển. |
Cá bống đuôi kéo là loại cá hiền lành, sống ở các rạn san hô, đầm phá hoặc vịnh. Cá có kích thước nhỏ, khi bé sống thành từng đàn, lớn lên sống thành đôi. |
Cá mó đèn - màu sắc thay đổi theo từng giai đoạn, chúng thường vùi mình trong cát khi ngủ hoặc khi gặp nguy hiểm. |
Hải quỳ ống - còn gọi là cây dừa biển. Chúng bắt mồi bằng cách sử dụng các tua râu mảnh mai có chất nhầy để bắt các sinh vật bơi lơ lửng bên trên. Khi gặp nguy hiểm, chúng thu mình vào trong ống để lẩn tránh. |
Động vật cầu gai. |
Cá ngựa đen - là một trong những loài cá có giá trị dược phẩm cao nên số lượng đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Giống như các loài cá ngựa khác, cá ngựa đực có một túi trước bụng để mang thai và ấp trứng giúp cá ngựa cái. |
Bộ xương cá voi lưng gù do nhân dân xã Hải Cường (Hải Hậu, tỉnh Nam Hà) khai quật vào ngày 08/12/1994 trong khi đào mương làm thuỷ lợi. Bộ xương bì vùi sâu dưới ruộng khoảng 1,2m và cách biển 4km. Chiều dài bộ xương là 18m với trọng lượng khoảng 10 tấn. |