Giật mình khi con gái nói 'mẹ là người hầu'
Nhiều năm trước tôi chỉ ở nhà nội trợ, chăm con. Kinh tế gia đình đã có chồng tôi lo. Sau này, khi vừa hết cảnh con nhỏ, khi các bé tự đi tới trường, tôi tìm được việc làm ở một siêu thị gần nhà với mong muốn san sẻ gánh nặng tiền nong với chồng, thì ngay lúc đó chồng tôi thất nghiệp.
Tôi tự hỏi, có phải ông trời thử thách chúng tôi, có phải “được vợ thì mất chồng” như thiên hạ vẫn nói không?
Vì vậy dù không làm đúng chuyên môn đã học, thậm chí có người nói công việc đó quá vất vả, không xứng với bằng cấp của tôi, nhưng tôi mặc kệ. Thời buổi này đâu phải dễ kiếm việc, không nên quá kén chọn. Xin việc, không nhất thiết phải đúng ngành nghề, làm gì cũng được, miễn kiếm tiền thôi mà. Tôi nhận ra điều ấy khi thấy việc háo hức khám phá lĩnh vực mới cũng thật thú vị. Từ người kiểm đếm hàng hoá ban đầu, tôi dần được cất nhắc lên vị trí quản lý.
Khám phá một công việc mới mẻ cũng thật thú vị. Hình minh họa |
Lương tăng thì áp lực tăng, nhiều khi tôi phải đối mặt với những vấn đề liên quan các mối quan hệ khách hàng, nhân sự cấp dưới khó đến... nhũn não. Nhưng kệ, tôi xác định khó mấy cũng không bỏ cuộc, từ từ gỡ rối. Lúc này tôi đi làm là đi kiếm cái ăn cho cả nhà, tôi nghỉ việc thì tiền đâu cho trăm thứ phải chi?
Tôi chấp nhận mọi thử thách, để trước mắt nuôi sống những… cái tàu há mồm. Nhưng khi tôi cố gắng hết mức thì chồng tôi lại quá ù lỳ. Anh không xin được việc vì quan niệm, phải đúng việc chuyên môn mới làm. Vì sĩ diện, anh ấy sẵn sàng ngồi nhìn vợ bơi trong rối rắm cơm áo gạo tiền.
Bây giờ, dù trong vai trụ cột, tôi vẫn chưa một lời coi thường chồng, tôi luôn nhớ những năm tháng được chồng nuôi, nhưng tôi buồn vì anh ấy lười quá.
Ngày trước chồng đi làm, việc nhà một mình tôi ôm. Giờ tôi đi làm, việc nhà cũng là của tôi. Sau giờ làm, tôi ghé chợ mua thức ăn rồi sơ chế trước, để trưa hôm sau đi làm về là nhào vào bếp nấu nấu nướng nướng. Tối đến, tôi phải thức khuya để dọn dẹp và làm những việc vặt, hò hét con cái, quần quật gần hai giờ đồng hồ mới xong.
Dù kinh tế eo hẹp, nhưng tôi ưu tiên mua thức ăn ngon. Có phải là do thất nghiệp mà vẫn được ăn ngon ngày năm - bảy cữ, nên chồng cứ ỷ lại vào tôi? Có phải lỗi tại tôi khiến anh ấy lười biếng?
Nhiều lúc nghe chồng khen món này ngon, ăn món kia lạ miệng... tôi chẳng chút hào hứng. Không biết chồng nhận ra thái độ của tôi không, vì trông anh rất hồn nhiên. Ra đường, chồng hay khen tôi là vợ đảm, anh tự hào mọi chuyện trong nhà đã có vợ lo.
Nhiều lúc mệt mỏi, tôi than thở với con gái, con thủng thẳng: "Mọi chuyện do mẹ hết, do mẹ thích làm người hầu của ba".
Tôi vặc: "Do là ý thức của mỗi người, nếu ba có ý thức thì khi thấy mẹ nhiều việc, ba phải phụ mẹ một tay chứ!"
“Nhưng đó là với người biết cảm thông và chia sẻ, còn ba thì…”, con bé bỏ ngang lời nhận xét.
Con gái 15 tuổi của tôi cũng nói rằng, sau này nếu kết hôn, sẽ không có chuyện con phục vụ chồng. Mọi chuyện đều phải chia, được thì sống, không được thì thôi, chứ nhất định con không hầu hạ ai giống như tôi.
Có phải tôi là người hầu của chồng? (Hình minh họa) |
Sống trong cảnh nhà có người mẹ cam chịu và ba lười nhác, con đã hình thành những suy nghĩ già trước tuổi. Điều này khiến tôi hoang mang.
Tôi định đem câu chuyện của con kể chồng nghe. Nếu anh cho rằng vợ thì phải làm việc nhà, phải phục dịch cơm nước cho chồng, thì từ hôm nay tôi sẽ thay đổi cách sống. Trước mắt, vợ đi làm thì việc nhà phải là của chồng, nếu anh không làm thì tôi cũng để nhà bẩn, cơm không có ăn, đừng ai đòi hỏi gì ở tôi nữa!
Theo phunuonline.com.vn