Video quay cảnh cực quang và mặt trời mọc cùng lúc từ trạm ISS
Phi hành gia Barry Butch Wilmore từ trạm vũ trụ ISS là người đã quay được khoảnh khắc tuyệt vời này khi hai hiện tượng cực quang và mặt trời mọc gặp nhau. Những cảnh quay này nằm ở phía trên các bang như Virginia, Delaware, New Jersey, New York và Massachusetts (Mỹ).
Những dải cực quang ở phương Bắc có tên gọi khoa học là Aurora Borealis hay còn gọi là Tia Cực Bắc. Đây là dải ánh sáng nhiều màu sắc được tạo ra bởi sự va chạm giữa các hạt mang điện trong luồng vật chất tỏa ra từ mặt trời với bầu khí quyển của Trái Đất. Hiện tượng cực quang này thường xảy ra nhiều hơn trong những chu kỳ mặt trời hoạt động mạnh với sự kết hợp của gió mặt trời và do hiện tượng phun trào nhật hoa của mặt trời.
Thường thì sau 2-3 ngày phóng ra, các hạt năng lượng nằm trong luồng vật chất tỏa ra từ mặt trời sẽ tới Trái Đất và sau đó sẽ được từ trường của Trái Đất cản lại và đổi hướng do tác dụng của lực Lorentz. Lực này làm cho các hạt chuyển động theo quỹ đạo xoắn ốc dọc theo đường cảm ứng từ của hành tinh.
Tại hai cực, các đường cảm ứng từ hội tụ lại và làm cho các hạt mang điện theo đó đi sâu vào khí quyển của hành tinh. Sau đó, các hạt mang điện này va chạm với các phân tử, nguyên tử trong khí quyển và kích thích các phân tử này phát sáng. Do thành phần khí quyển có nhiều khí khác nhau nên khi bị kích thích sẽ tạo nên các ánh sáng có bước sóng khác nhau qua đó hình thành nên các dải cực quang đa màu sắc.
Màu sắc của cực quang phụ thuộc khá nhiều vào hai khí chính đó là ôxy và nitơ nhưng ngoài ra cũng phụ thuộc khá nhiều vào tốc độ của các electron đang chuyển động.
Tuy nhiên, hiện tượng này thường chỉ xảy ra ở các quốc gia có vĩ độ cao và nằm ở gần hai cực trái đất như Na Uy hoặc Iceland. Bên cạnh đó, những đêm mùa đông cũng thường là thời điểm dễ quan sát hiện tượng này hơn do ít mây mù và hơi nước trong không khí. Trong khi đó, không chỉ có Trái Đất mới có hiện tượng này, các hành tinh khác nếu đầy đủ từ trường và bầu khí quyển đều có thể xuất hiện hiện tượng này ví dụ như Sao Mộc, Sao Thổ và Sao Thiên Vương.
Theo Vnreview