Vì sao Trung Quốc “không dám” hầu tòa?
Để giải đáp băn khoăn này, PV báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ về vấn đề này.
Ts Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới chính phủ |
Philipines “muốn” hầu Tòa…
Thưa ông, mới đây các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin Philippines đã chính thức thông báo với phía Trung Quốc là sẽ đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra Tòa án Quốc tế. Ông có bình luận gì về sự kiện này?
Theo thông lệ quốc tế, để giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, Luật pháp và thông lệ quốc tế đã đề xuất một số phương thức thích hợp. Một trong những phương thức phổ biến nhất hiện nay là thông qua các Cơ quan tài phán quốc tế.
Việc Philippines muốn đưa ra Tòa án quốc tế để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ và việc xác định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa có liên quan giữa hai nước mà theo đánh giá của Philippines là không có khả năng giải quyết thông qua đàm phán song phương cũng là chuyện bình thường, thể hiện thiện chí mong muốn giải quyết hòa bình mọi tranh chấp biên giới, lãnh thổ, phù hợp với Luật pháp và thực tiễn quốc tế.
"Đường lưỡi bò" của Trung Quốc làm cho nhiều nước muốn đưa Trung Quốc ra tòa. Ảnh internet |
Tuy nhiên, theo thông lệ, phương thức này nếu xét về góc độ ưu tiên thì nó đứng hàng thứ 2. Cũng giống như giải quyết các tranh chấp dân sự, ưu tiên hàng đầu vẫn là thương lượng, hòa giải, nếu không xong thì mới đệ trình Tòa phán xét. Trong quan hệ quốc tế cũng không làm khác được. Đàm phán giữa các bên liên quan vẫn là ưu tiên hàng đầu. Nếu các bên đàm phán không thành hoặc thấy không thể đàm phán được thì mới tính đến chuyện đưa tranh chấp ra các Cơ quan tài phán quốc tế.
Liên quan đến vấn đề xác định chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, đặt vấn đề giải quyêt thông qua Tòa án quốc tế cũng đã từng được đề cập đến từ lâu, ngay từ đầu thế kỷ 19, khi đó, với tư cách là đại diện cho Nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại, Chính quyền thực dân Pháp đặt vấn đề đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Tòa án quốc tế, nhưng phía Trung Quốc lúc đó đã không đồng ý.
Theo ông, việc giải quyết tranh chấp Biển Đông tại Cơ quan tài phán quốc tế có khả thi không? Đã có tiền lệ thành công nào trong những vụ việc giải quyết tranh chấp trước đây?
Hiện nay, Cơ quan tài phán quốc tế có quyền hạn xem xét, thụ lý các hồ sơ tranh chấp quốc tế phổ biến nhất là Tòa án công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Luật biển quốc tế, Trọng tài quốc tế... Các Cơ quan tài phán này đã từng giải quyết nhiều vụ tranh chấp lãnh thổ khá phức tạp. Chẳng hạn, Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế La Haye tháng 4 năm 1928 đã vận dụng nguyên tắc chiếm hữu thật sự để xử vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan; phán quyết của Tòa án Quốc tế của Liên Hợp quốc tháng 11 năm 1953 đối với vụ tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp về các đảo Minquiers và Ecrehous... , và gần đây, năm 2002, Tòa án thường trực quốc tế cũng dựa vào nguyên tắc chiếm hữu thật sự để ra phán quyết về vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan giữa Malaysia và Indonesia… Còn rất nhiều vụ việc giải quyết tranh chấp được giải quyết hòa bình, thành công khác. Điều này cho thấy, đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ ra giải quyết tại các Cơ quan tài phán quốc tế là có tính khả thi và thật sự cần thiết…
Xin ông cho biết để được giải quyết tại Cơ quan tài phán quốc tế, các bên liên quan phải tuân theo thủ tục nào?
Tuy nhiên, để đưa vấn đề tranh chấp ra Cơ quan tài phán quốc tế nào và theo thủ tục gì cũng là vấn đề. Mỗi Cơ quan tài phán quốc tế đều có phạm vi quyền hạn, thủ tục, nguyên tắc hoạt động riêng. Muốn đưa vấn đề tranh chấp giữa các quốc gia ra một Cơ quan tài phán quốc tế, các bên có liên quan phải đồng thuận trong việc lựa chọn Cơ quan tài phán và có văn bản thỏa thuận gửi hồ sơ đến Cơ quan tài phán đó. Nếu không đạt được thỏa thuận đó thì Cơ quan tài phán quốc tế không có quyền xem xét, phán quyết. Quay trở lại với vấn đề Philippines muốn giải quyết tranh chấp với Trung Quốc tại Tòa án quốc tế, Philippines phải đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về việc này.
Vì sao Trung Quốc “ngại” hầu tòa?
Phải chăng nếu Trung Quốc tiếp tục không đồng ý “hầu tòa”, tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines sẽ không được giải quyết bằng con đường tài phán quốc tế?
Đúng như thế. Như tôi đã nói ở trên, nếu các bên liên quan không thỏa thuận được với nhau về vấn đề “hầu tòa” thì vụ việc sẽ không bao giờ được xem xét giải quyết theo phương thức nói trên. Nếu Trung Quốc tiếp tục từ chối thì một mình Philippines không thể đưa ra Tòa án quốc tế được.
Theo ông vì sao Trung Quốc lại có động thái từ chối đàm phán đa phương, từ chối đưa vấn đề tranh chấp ra Cơ quan tài phán quốc tế?
Theo thủ tục thì Trung Quốc có quyền không đồng ý đưa vấn đề tranh chấp ra Tòa án quốc tế. Bởi vì, họ có quyền biện minh rằng họ muốn giải quyết tranh chấp bằng đàm song phương; vì đó cũng là một phương thức giải quyết hòa bình rất phổ biến trong quan hệ quốc tế từ trước đến nay. Thực tế cho thấy không phải mọi phán quyết nào của Cơ quan tài phán quốc tế cũng đều chuẩn xác, thuận lợi, đảm bảo được tính công bằng, công minh và đều được chấp hành đầy đủ... Vì vậy, các bên liên quan đều phải cân nhắc rất kỹ mọi khía cạnh, mọi khả năng và mọi điều kiện… trước khi quyết định cùng thỏa thuận đưa tranh chấp ra Tòa án quốc tế.
Tất nhiên, yếu tố quan trọng nhất không thể không tính đến là thế mạnh, yếu về mặt pháp lý của mình trong vụ việc này như thế nào. Thông thường, chẳng ai dại gì khi đồng ý đưa ra Tòa án quốc tế mà xét thấy không có đủ thế mạnh pháp lý để bảo vệ cho quyền lợi của mình trước Cơ quan tài phán quốc tế. Thường thì bên nào yếu về mặt pháp lý, không có chân lý, họ không muốn đưa vấn đề ra Tòa án, không muốn quốc tế hóa vấn đề….
Trung Quốc phản đối việc đưa ra các Cơ quan tài phán quốc tế, không muốn quốc tế hóa, thậm chí phản đối đàm phán đa phương, phải chăng cũng không nằm ngoài quy luật thông thường đó? Thay vì, họ đang đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm củng cố chứng cứ pháp lý, tranh thủ giành lấy sự mặc nhiên thừa nhận của các bên liên quan đối với yêu sách của họ trong thực tế…, chẳng hạn như họ in hộ chiếu có đường lưỡi bò, in bản đồ, công bố, ban hành các lệnh hành chính, điều lệ… tăng cường hoat động tuần tra giám sát, khám xét bắt bớ, đánh đuổi bằng những lực lượng tàu hải giám, tuần hải… hùng hậu. Thực tế đó là câu trả lời khá chuẩn xác lý do tại sao Trung Quốc từ chối thiện chí của Philippines nói trên, chí ít cho đến thời điểm hiện nay.
Xin cảm ơn ông!