Vì sao tôi bỏ Facebook?
Ngày 9/7, Chris Chan – Giám đốc Dự án, Chuyên gia tư vấn khách hàng của hãng phần mềm Inova Software ở New York đăng tải lên trang cá nhân của mình trên mạng xã hội nghề nghiệp Linkedin một bài viết có tiêu đề “Vì sao tôi từ bỏ Facebook”.
Ngay lập tức, bài viết này trở thành tâm điểm của hàng trăm cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng Likedin. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, bài viết này đã trở thành đề tài nổi bật nhất và có tới hơn nửa triệu lượt đọc, hơn 10.000 lượt chia sẻ trên Likedin, hơn 5.000 lượt “Like” trên Facebook và tác giả có thêm hàng ngàn “người quan tâm” (follower) mới.
Độ “nóng” của bài viết đã lan đến tận trụ sở của Facebook và ngay lập tức tài khoản của Chris Chan bị Facebook khóa và Mark Zukerberg đã cử một số chuyên gia của mình mò sang “thám thính” và theo dõi Chris Chan bên mạng xã hội Likedin.
Đây quả thực là một trường hợp khá đặc biệt và hy hữu. Bài viết của Chris Chan có gì mà ghê gớm vậy?
Infonet xin được lược dịch lại bài viết này và giới thiệu với bạn đọc.
Với nhiều người, Facebook là thứ "chất gây nghiện" vô cùng nguy hiểm. (Ảnh minh họa) |
Facebook đã từng là một công cụ tuyệt vời. Thật đáng buồn, nó không còn (tuyệt vời) như nữa và sẽ không bao giờ có thể tuyệt vời được nữa.
Trong số những người bạn, tôi là người đầu tiên tạo tài khoản Facebook hồi năm 2007 khi mà trào lưu dùng mạng xã hội mới bắt đầu manh nha. Tôi đã dùng Facebook để kết nối với những người bạn, người họ hàng, bạn học cũ… bị mất liên lạc từ rất lâu rồi. Sức mạnh của Facebook thể hiện rõ nhất ở khi bạn tìm lại được một người bạn cũ. Nó là một công cụ tuyệt vời bởi vì nhờ có Facebook mà tôi đã có thể tổ chức được khá nhiều các cuộc hội ngộ và tụ tập. Tôi dùng nó hàng ngày, hàng giờ… một cách đều đặn.
Nhưng dần dần, Facebook thay đổi mục tiêu của nó đối với tôi. Mọi người bắt đầu chia sẻ hàng núi ảnh – từ ảnh một đứa bé đầy tháng, những địa điểm đi nghỉ thú vị, những thứ đồ đắt tiền mà họ đã mua, những người nổi tiếng mà họ đã gặp… Facebook đã trở thành một cái thùng rác khổng lồ đầy những thông tin mà tôi chẳng quan tâm hay thậm chí chẳng buồn biết.
Và rồi cái News Feed (Bảng tin) ra đời (gần đây Facebook còn âm thầm tiến hành thử nghiệm việc điều khiển cảm xúc của một ai đó bằng cách thay đổi nội dung hiển thị trên Bảng tin). Tôi bị dội bom bởi hàng tấn những quảng cáo từ các trang mà tôi đã trót “Like”, các đường link mà tôi đã lỡ bấm vào xem. Thêm vào đó, khi bạn cài Facebook vào cái điện thoại smartphone của mình, bạn sẽ thường xuyên phải kiểm tra xem có tin nhắn nào không. Thậm chí ngay cả khi chẳng có gì thì bạn vẫn cứ phải mở điện thoại ra xem cho… yên tâm.
Bạn sẽ có thói quen trả lời các tin nhắn ngắn ngủi ở chỗ này, chỗ kia. Nó tạo thành một vòng quay bất tận và lặp đi lặp lại điệp khúc: Kiểm tra tin nhắn, chờ đợi và trả lời. Mặc dù mỗi lần trả lời bạn chỉ tốn vài giây nhưng vài giây đó cứ dồn vào liên miên và đến lúc tôi nhận ra rằng mình đã tốn khá nhiều giờ mỗi ngày cho các “hoạt động” trên Facebook.
Chính vì tính năng “chat” này mà thương vụ mua lại WhatsApp với giá trên trời đã diễn ra.
Nhưng điểm mấu chốt của tôi với Facebook chính là vấn đề “quyền riêng tư” mặc dù tôi sẽ không nói chi tiết về nó khi mà hầu hết tất cả các bạn đều đã quen với việc những bức ảnh của mình (hoặc ảnh có mặt bạn) được chia sẻ ở chốn công cộng mà bạn không hề biết.
Là một người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, trong một công ty hàng ngày phải xử lý một lượng vô cùng lớn dữ liệu cực kỳ riêng tư và nhạy cảm của người khác, tôi biết rất rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cho khách hàng. Tôi không phản đối Mark Zuckerberg – nhà sáng lập và hiện là CEO của Facebook. Thực tế, tôi còn ngưỡng mộ anh ta và cô vợ của mình vì những hoạt động từ thiện, quyên góp hãng triệu USD để sửa chữa các trường học ở California và New Jersey. Đó là những việc làm đáng quý kể cả họ là những tỷ phú.
Tuy nhiên, bạn có biết rằng Mark là một tay hacker bẩm sinh ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế của trường Harvard. Tôi không bao giờ sẵn lòng giao dữ liệu cá nhân của mình cho một tay hacker để sau đó anh ta có thể tuyển dụng một đội ngũ nhân viên và bán nó cho các nhà quảng cáo.
Hãy lưu ý, việc thiết lập chế độ “Chỉ mình tôi” cho mọi thông tin cá nhân không đủ để bảo vệ bạn trước các hành vi khai thác dữ liệu cá nhân của Facebook.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Facebook là "kẻ hút máu" người dùng bằng cách khai thác triệt để thông tin cá nhân của họ để bán cho các nhà quảng cáo.(Ảnh minh họa) |
Một điều quan trọng mà tất cả mọi người đều phải nhớ rằng có rất nhiều những thủ thuật tin học có thể khui ra mọi thông tin về cá nhân bạn mà bạn không hề biết.
Mới đây, chuyên gia ngành khoa học máy tính Jennifer Golbeck và nhà kinh tế học Alessandro Acquisti đã tiết lộ trong Hội nghị TED rằng, trên thực tế, chúng ta chia sẻ trên mạng nhiều hơn mức độ chúng ta tưởng. Tất cả những thông tin mà bạn chia sẻ ngày hôm nay (có thể có hay không có sự đồng ý của bạn, hợp pháp hay phi pháp) có thể sẽ trở thành thứ chống lại bạn ngày mai. Khi bạn chia sẻ thông tin trên mạng, bạn đã vô tình trao cho kẻ khác quyền được khai thác các thông tin đó. Thông thường, mỗi trang mạng sẽ chỉ sử dụng dữ liệu của chúng ta ở một mức độ nào đó nhưng Facebook thì tham lam và hung bạo hơn tất cả các mạng xã hội khác. Facebook không coi chúng ta là khách hàng mà họ chỉ đối xử với chúng ta như là một sản phẩm của họ. Khách hàng đích thực của Facebook là các nhà quảng cáo – kẻ mà Facebook đang ra sức mời chào, rao bán chúng ta cho họ.
Kể từ đó, tôi đã xóa sạch sẽ tài khoản Facebook của mình và vĩnh viễn.
Bản thân tôi hiện nay vẫn là một người yêu thích các mạng xã hội và tôi sử dụng Likedin, Twitter và Wordpress để chia sẻ với những người quan tâm đến tôi những bài viết, những suy nghĩ hữu ích và sâu sắc. Tôi vẫn tin rằng internet là một công cụ mạnh mẽ để mang lại cho chúng ta nhiều thông tin hơn và khiến chúng ta trở nên sáng tạo hơn. Với một công cụ đúng đắn, chúng ta có thể được tiếp thêm sức mạnh.
Đã đến lúc, bạn và những người thân yêu của bạn cần xem xét và đánh giá lại lượng thời gian mà bạn tiêu tốn trên mạng xã hội phổ biến nhất thế giới này.
Chris Chan