Vì sao phải xếp hàng mua vé xe về quê?
Hàng ngàn người xếp hàng mua vé xe. |
Khi đến bến xe Mỹ Đình, tôi lại bắt gặp một hàng người kiên nhẫn đứng đợi đến lượt được mua vé. Xếp hàng là thói quen có từ thời bao cấp, nhưng phải sau 20 năm đổi mới, hôm nay tôi mới lại nhìn thấy cảnh này. Nó như câu chuyện ngụ ngôn thời hiện đại, câu chuyện đủ để tôi phải suy nghĩ thật nghiêm túc về việc chờ đợi.
Tại sao tôi phải xếp hàng? Nếu ở những nước phát triển, thì câu hỏi của tôi sẽ trở nên ngớ ngẩn. Xếp hàng, hiểu đơn giản thì đó là những gì tôi có thể làm. Tôi phải xếp hàng vì tất cả mọi người quanh tôi đều đang xếp hàng. Chứng minh cho lí lẽ ấy là khi tôi đến Nhật Bản, tôi thấy mình giống như tất cả mọi người, cũng biết xếp hàng ở bất cứ đâu, ngoại trừ đó là nơi đi xuống địa ngục.
Một lần dự hội nghị ở Singapore, bữa ăn trưa có đông người xếp hàng lấy món bánh, tôi cũng trong đoàn người đó. Phía sau tôi có một bà cụ già chống gậy, tôi ngỏ ý nhường cho bà lên trước, nhưng bà không đồng ý với lí do bà còn đủ sức khỏe để đứng xếp hàng bình đẳng với mọi người. Qua câu chuyện này tôi nhận ra rằng, người văn minh không vì miếng bánh mà đánh mất vị trí của họ trong hàng chờ đợi.
Người Mỹ có tính thực dụng cao, họ hiểu hơn ai hết đường thẳng sẽ trở nên quá dài trong một không gian nhỏ. Vì thế mà không phải người Mỹ nào cũng muốn tuân thủ quy tắc xếp hàng. Vậy tại sao xã hội Mỹ lại rất ngăn nắp và trật tự khi xếp hàng? Trong hầu hết các dịch vụ, người Mỹ có một nguyên tắc viết tắt là FCFS, nghĩa là “Ai đến trước được phục vụ trước – First Come First Served”. Xã hội Mỹ không chấp nhận sự ưu tiên làm phá vỡ nguyên tắc FCFS. Với những người Mỹ thiếu kiên nhẫn để chờ đợi, cắt hàng sẽ được coi là vi phạm, họ sẽ được chào đón bởi những người sẵn sàng cho biết họ là ai.
Ở những quốc gia mà tôi đã đi qua, dòng người luôn sẵn sàng tạo thành một đường thẳng. Để duy trì một đường thẳng, đòi hỏi cá nhân phải có sự kiên nhẫn nhất định. Kiên nhẫn không chỉ tạo nên kỉ luật, mà còn tạo nên sức mạnh cho đường thẳng.
Khác với ở nước ngoài, nơi làm cho tôi luôn cảm thấy hạnh phúc trong sự chờ đợi đến lượt mình; thì ở Việt Nam, tôi cũng như mọi người thường có tâm lí chỉ muốn nhảy xổ vào. Đi tìm câu trả lời cho nghịch lí này, tôi đã quan sát nhiều đám đông, nhận thấy đám đông chờ đợi thường có dạng hình nón. Hình nón đặc trưng bao giờ cũng có một người đứng đầu, những người còn lại tự điều chỉnh hành vi để có vị trí thích hợp tỏa dần ra xung quanh. Một số người tự cho rằng họ có những đặc quyền, nên họ được phép có vị trí tốt hơn, thậm chí họ sẵn sàng lật đổ những người phía trước để tranh lên vị trí hàng đầu. Đó là lí do đám đông hình nón rất khó kiểm soát, rất dễ rơi vào tình trạng tranh giành hỗn loạn.
Rõ ràng cách thức xếp hàng chờ đợi ở mỗi quốc gia là khác nhau, vậy đó có phải do yếu tố văn hóa chi phối? Câu hỏi sẽ trở nên bế tắc, bởi nếu có yếu tố văn hóa chi phối, thì đó là yếu tố văn hóa nào để mọi người không tự động tạo thành một đường thẳng như trong trật tự của lẽ tự nhiên? Rất nhiều những công trình nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, xếp hàng là một hiện tượng văn hóa, chứ không phải là đặc điểm vốn có của con người, nên sẽ không bị chi phối bởi yếu tố văn hóa. Các nghiên cứu cũng đi đến thống nhất, xếp hàng chờ đợi có trật tự được coi là sản phẩm của xã hội công nghiệp, nó mới chỉ bắt đầu xuất hiện ở Pháp vào năm 1837, về sau nhanh chóng lan rộng ra các nước có nền công nghiệp phát triển, trở thành một hình thái xã hội.
Còn chúng ta, từ những nhà hoạch định chính sách, nhà quản lí, nhà nghiên cứu, nhà giáo, cho đến cộng đồng; tất cả mới chỉ biết lên án người Việt vô ý thức, không có văn hóa xếp hàng. Khi tôi ở nước ngoài, chỉ cần một thời gian rất ngắn là tôi đã quen với cảnh sẵn sàng chờ đợi thành từng hàng cho tất cả mọi thứ, đôi khi tôi còn không biết mình đang chờ đợi điều gì ở phía trước. Tôi mong ước điều đó sẽ xảy ra ở Việt Nam, bắt đầu từ hàng người trong bến xe Mỹ Đình chiều ngày 29/4 vừa rồi.