Vì sao người miền Nam lễ chùa đơn giản, không câu nệ?
Đối với người miền Nam, lễ chùa thường chỉ là hoa quả chứ không bao giờ có đồ mặn |
Đối với người miền Bắc, khi đi chùa đầu năm thường phải có đồ lễ, hoặc hương hoa. Theo lệ thường, mâm lễ bao giờ cũng đủ cả hương, hoa, tiền vàng, đồ mặn và một tờ sớ viết bằng chữ nho, ghi những điều cầu mong của gia chủ cho một năm vạn sự như ý.
Đặc biệt, trong lời văn khấn của người miền Bắc thường có vần, có điệu, âm vực thì trầm bổng. Khi thể hiện, lời khấn nghe như thơ, như nhạc ngân nga trong không gian u huyền của đình chùa, tạo nên sự linh thiêng, hư ảo. Lễ xong, người đi lễ thường xin nhà chùa một thứ gì đó về làm lộc đầu năm.
Còn đối với người miền Nam, việc hành lễ đơn giản hơn. Đầu năm đi lễ chùa họ thường không phải đem theo đồ lễ, nếu có cũng chỉ là hoa quả chứ không bao giờ có đồ mặn (xôi thịt) như người miền Bắc. Lời khấn cũng đơn giản, không câu nệ văn vẻ. Người lên chùa ước gì thì cầu đó, không nhất thiết phải dùng sớ bằng chữ nho. Cách khấn như thế người ta hay gọi là khấn nôm.
Người miền Nam đi lễ chùa thường chỉ cúng hoa, nến, trái dừa hoặc lớn hơn là cúng gạo. Tại các chùa, hầu hết mọi người chỉ thắp 1 hoặc 3 nén nhang tại lư hương to đặt trước sân chùa vì nhiều chùa hạn chế việc mang nhang vào chánh điện.
Bà Bảy (ngụ quận Gò Vấp) mang theo bó hoa sen và thắp nhang tại chùa Phổ Quang cho biết: "Điều đầu tiên tôi làm ngày đầu năm mới là đi chùa lễ Phật. Năm qua gia đình tôi có chuyện vui, chuyện buồn nhưng đều bình an, đó là hạnh phúc nhất. Tôi muốn bày tỏ lòng cảm ơn đến trời Phật, đến tổ tiên".
Hòa thượng Thích Trí Quảng (chùa Huê Nghiêm, TP.HCM) lý giải: “Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy có ba cách cúng dường. Một là phẩm vật cúng dường, hai là kính tín cúng dường và ba là hạnh cúng dường.
Trong ba cách này, phẩm vật cúng dường là nhỏ nhất, vì Bồ tát Phổ Hiền nói rằng: Hương hoa, phẩm vật nhiều như núi Tu Di mà đem dâng cúng cho Phật thì tuy là có phước lớn, nhưng so với pháp cúng dường không bằng một phần trăm, một phần ưu ba ni sa đà, nghĩa là một phần rất nhỏ. Và phẩm vật đi theo tâm lớn hay nhỏ cùng với nghiệp của người cúng dường mà kết quả của việc cúng dường sẽ biến đổi theo. Nếu tâm chúng ta tốt, vật càng lớn thì phước càng lớn. Tâm quyết định tất cả, nên phải phát tâm rộng lớn tới tất cả muôn loài.
Phẩm vật cúng nhiều hay ít không quan trọng mà tâm của người cúng mới quan trọng; cũng như vậy, khi mỗi người chết đi không ai mang theo được của cải, vật chất mà chỉ có tâm thiện ác, tốt xấu dẫn đường chúng ta đi đầu thai cõi lành hay dữ tuỳ nghiệp của mình.
Vào chùa, phẩm vật cúng dường Phật là lòng thành kính và tâm tốt mới là điều quan trọng hơn cả. Cho dù không có gì cúng, nhưng lấy tâm cung kính cúng dường cũng là công đức to lớn rồi. Vì vậy, phật tử vào chùa chỉ cần mang theo lòng cung kính trước Tam bảo (Phật, Giáo Pháp và Tăng). Dù chẳng mang theo phẩm vật nhưng cúng dường Tam bảo bằng cái lạy hay cái chắp tay búp sen với tất cả lòng thành kính cũng đã đầy đủ lắm rồi. Trong đời tôi chỉ có lạy Phật để cúng dường, vì kính trọng mới lạy”.