Vì sao EVN không còn được tự ý tăng giá điện 7%?
Ngày 30/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 24, thay thế Quyết định 69 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Còn theo Quyết định 69, mức tối thiểu điều chỉnh giá bán lẻ điện là từ 7%.
Nói về sự thay đổi này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, quy định về ngưỡng điều chỉnh giá điện ở mức tối thiểu 7% được cho là cao, mỗi lần điều chỉnh có tác động lớn đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) |
Mặt khác, việc chỉ điều chỉnh giá bán điện bình quân khi giá điện tăng từ 7% trở lên sẽ không phản ánh kịp thời biến động của các các thông số đầu vào cơ bản trong năm.
“Việc điều chỉnh nêu trên là để phù hợp với thực thực tế hiện nay, với việc giá nhiên liệu trên thế giới, đặc biệt là giá dầu biến động lớn và tỷ giá ngoại tệ giữa đồng đô la Mỹ và đồng Việt Nam có xu hướng tăng cao thì việc chỉ điều chỉnh giá bán điện bình quân khi giá điện tăng từ 7% trở lên sẽ không phản ánh kịp thời biến động của các các thông số đầu vào cơ bản trong năm. Giá điện không phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh gây lỗ cho các đơn vị điện lực và không thu hút đầu tư, từ đó không đáp ứng được nhu cầu phụ tải điện hiện nay (từ 12%-14%)”, ông Tuấn cho hay.
Ngoài ra, theo Báo cáo kết quả kiểm tra giá thành năm 2015 của Bộ Công Thương, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 234,73 nghìn tỷ đồng. “Việc thực hiện điều chỉnh tăng giá điện 7% đồng nghĩa với việc tăng tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện ít nhất khoảng 16 nghìn tỷ đồng sẽ khó đạt được sự đồng thuận của người dân trong việc tăng giá điện, gây khó khăn trong việc điều chỉnh giá điện theo giá thị trường”, ông Tuấn nói.
Vì vậy, theo ông cần giảm ngưỡng điều chỉnh giá và cho phép EVN quyết định điều chỉnh giá điện trong phạm vi nhất định từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định để kịp thời phản ánh kịp thời sự biến động của các thông số đầu vào cơ bản.
Hơn nữa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012 đã quy định giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng. Vì vậy, có nhiều ý kiến đề nghị quy định EVN có thẩm quyền trong điều chỉnh giá điện ở một mức độ nhất định để phù hợp với Luật Điện lực và phù hợp với định hướng điều hành giá điện theo cơ chế thị trường.
Còn nếu kết quả tính toán giá điện của EVN có sai sót, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán điện bình quân. Trường hợp vi phạm quy định về điều chỉnh, tính toán giá bán điện bình quân, việc xử lý sẽ được chiếu theo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/8, quy định thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện cụ thể như sau: Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.