Vì sao đường sắt Cát Linh – Hà Đông “đội giá” 339 triệu USD?
Tổng mức đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng 339 triệu USD |
Thông tin trên được phía chủ đầu tư đưa ra tại buổi giao ban báo chí thành ủy Hà Nội chiều 9/9.
Với chiều dài 13,05 km, dự án Đường ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông do BQL DA đường sắt (Bộ GTVT) là đại diện chủ đầu tư. Về nguồn vốn đầu tư, quyền Tổng giám đốc BQL DA đường sắt Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự án được đầu tư từ nguồn vốn vay của Trung Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Tổng mức đầu tư ban đầu dự án trên 8.796 tỷ đồng, tương đương 553 triệu USD, trong đó vốn vay của Trung Quốc 419 triệu, còn lại hơn 133 triệu USD là vốn đối ứng của Việt Nam. Tuy nhiên đến năm 2014 tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án đã lên tới 891 triệu USD, tăng 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Lý giải về việc công trình đội giá hơn 300 triệu USD, ông Hùng cho biết, thời điểm tính mức đầu tư ban đầu, 1 USD chỉ khoảng 15 nghìn đồng, đến nay đã tăng hơn 20 nghìn.
Theo ông Hùng có nhiều lý do khiến tổng mức đầu tư tăng lên, như xây dựng nhà ga bổ sung có giá 13,5 triệu USD, ga Yên Nghĩa trước chỉ làm tạm nhưng giờ làm quy mô hơn với mức chi phí thêm 2 triệu USD, đầu tư đào tạo chuyển giao công nghệ 2,9 triệu USD…
Đặc biệt công tác GPMB chậm làm tăng giá nhiều chi phí, rồi bị tác động do trượt giá giữa tiền tệ và đô vì lúc ký hợp đồng cứ 7,1 Nhân dân tệ đổi lấy 1 USD, nhưng nay chỉ 6,1 “ăn” 1. Mức trượt giá giữa đồng tệ và đô chiếm 16%.
Trả lời câu hỏi về mức giá đầu tư 1 km đường sắt của Việt Nam so với các nước trên thế giới là bao nhiêu, ông Hùng cho rằng rất khó để có thể đưa ra con số so sánh, vì tính chất mỗi dự án của mỗi nước khác nhau.
Liên quan đến vấn đề nhân lực, ông Hùng cho biết, triển khai dự án này chỉ có nhà quản lý là người Trung Quốc, còn toàn bộ lao động và nhà thầu phụ là của Việt Nam. Sau ảnh hưởng từ vấn đề Biển Đông, số người tham gia dự án từ Trung Quốc đã làm việc trở lại bình thường, và thậm chí tiến độ còn đẩy nhanh hơn.
Cũng theo quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, tổng số lao động để vận hành tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông là 600 người. Toàn bộ số lao động này sẽ được đi đào tạo nghiệp vụ ở Trung Quốc. Tổng mức chi phí đào tạo 5 triệu USD. Trước mắt trong tháng 9 này sẽ bắt đầu đưa 37 lái tàu sang Trung Quốc đào tạo, thời gian đào tạo nhiều nhất 315 ngày.
“Toàn bộ kinh phí đào tạo đều nằm trong kinh phí dự án và đã tính toán đầy đủ” – ông Hùng nói.
Dự án ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông được khởi công từ 10/10/2011, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác từ 31/12/2015. Thời gian triển khai dự kiến ban đầu 5 năm, đến năm 2013 hoàn thành, như vậy công trình chậm khoảng 2 năm so với dự kiến. Nhà thầu tư vấn giám sát thi công và lắp đặt thiết bị của dự án là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh. Đến nay dự án đã hoàn thành 299/419 trụ cầu, hoàn thành thi công kết cấu trụ cầu của 7/12 nhà ga. Dự án được đưa vào vận hành từ cuối năm 2015.