Vì sao đầu tư gần 1.700 tỷ đồng, Bảo tàng Hà Nội vẫn vắng khách?
Thông tin tại buổi họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, chiều 25/8, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết, công trình Bảo tàng Hà Nội khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 6/10/2010, là công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Từ thời gian đó đến nay, Bảo tàng thường xuyên mở cửa đón khách tham quan, mọi hoạt động đã và đang diễn ra tại Bảo tàng mới chỉ là tạm thời vì phương án trưng bày theo đề án được duyệt đến nay chưa hoàn thiện.
Cụ thể, từ năm 2010 đến hết 6 tháng đầu năm 2015, có khoảng 764.000 lượt khách tham quan. Con số này được thống kê trên cơ sở các đoàn khách đăng ký qua bộ phận lễ tân của Bảo tàng và lượng khách lẻ có thể quan sát mỗi ngày. Hơn nữa, để tiến hành trưng bày theo chuyên đề, Bảo tàng cần có thời gian chuẩn bị trước đó vài tháng, thời gian thay thế không gian trưng bày cũng mất ít nhất 2 tuần, vì thế công chúng tham quan Bảo tàng đúng dịp chuyển giao có cảm giác Bảo tàng dường như ít hoạt động là điều dễ hiểu.
Đầu tư gần 1.700 tỷ đồng nhưng 5 năm qua Bảo tàng Hà Nội mới chỉ trưng bày tạm. |
Nói thêm về điều này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, các chuyên gia về bảo tàng cũng như các nhà quản lý của Bộ Văn hóa cũng nói rằng công trình Bảo tàng Hà Nội thời điểm hiện nay là công trình lớn nhất nước, cũng là công trình tầm cỡ trong khu vực.
Tuy nhiên, hiện bảo tàng đang giai đoạn thi công trưng bày chính thức, nên mới trưng bày tạm thời, mà đã là tạm thời thì chưa thể hấp dẫn được nên cũng liên quan đến việc khách đến tham quan Bảo tàng còn hạn chế. Nếu chỉ quan tâm đến lượng khách đến thăm Bảo tàng thì chưa đúng với hiện trạng của Bảo tàng hiện nay.
“Khi đã hoàn thiện trưng bày chính thức Bảo tàng Hà Nội sẽ bán vé chứ không miễn phí vào cửa như bây giờ”, ông Tiến cho hay.
Liên quan đến các hiện vật tại Bảo tàng, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, đến nay tổng số hiện vật đã được lựa chọn trưng bày là 24.252 hiện vật; bảo quản gần 12.000 tài liệu, hiện vật chất liệu giấy, bảo quản 935 hiện vật chất đồng....
Bảo tàng cũng đã phục chế nhiều hiện vật, mới thử nghiệm quy trình sưu tầm 9 bước theo Thông tư 11 để mua nhóm 8 hiện vật với số tiền 61 triệu đồng để dành cho trưng bày chuyên đề Hà Nội thời Tiền – Sơ sử.
“Việc mua hiện vật rất khó khăn, phải qua các hội đồng khoa học, thẩm định giá chứ không dễ như chúng ta nhìn thấy ở chợ đồ cũ mua về”, ông Đà nói.
Ông Trương Minh Tiến diễn giải thêm, các cán bộ cùng các chuyên gia, nhà khoa học đã đến tận nơi xem xét thẩm định từng hiện vật dự kiến sưu tầm về. Nhưng việc thỏa thuận về giá với các đơn vị tư nhân có hiện vật đó thì rất khó vì sau một thời gian thẩm định, khi quay lại hiện vật họ đã bán, có hiện vật họ lại tăng giá lên… Quy chế chi tiêu ngân sách, nhất là dòng vốn đầu tư xây dựng cơ bản rất chặt chẽ nên cũng ảnh hưởng đến việc sưu tầm các hiện vật.
Đại diện Ban Quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội (Sở Xây dựng) cho biết, dự kiến chi khoảng 70 tỷ đồng để mua hiện vật ở Bảo tàng. Nhưng đến năm 2014 mới có Thông tư hướng dẫn cụ thể việc mua hiện vật nên Bảo tàng mới thực hiện được một hợp đồng mua hiện vật trị giá 61 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề kiến trúc của Bảo tàng có hình tháp ngược, đơn vị tư vấn thiết kế có lấy cảm hứng từ châu Âu hay không, vị đại diện này khẳng định ông là người trực tiếp ký hợp đồng với đơn vị tư vấn liên doanh Cộng hòa Liên bang Đức. Sở dĩ họ đưa ra hình bảo tàng là hình tháp ngược vì khi thăm bảo tàng từ dưới tầng 1 đến tầng 4, thể hiện sự phát triển của lịch sử Hà Nội, càng gần giai đoạn cận đại thì càng nở ra. Vì thế đã lựa chọn thiết kế này.
Liên quan đến tổng kinh phí quyết toán, đại diện chủ đầu tư cho biết, phần xây lắp thiết bị là 1.697 tỷ đồng, hiện kiểm toán đợt 1 là 1.500 tỷ, còn lại 197 tỷ đồng sẽ kết thúc kiểm toán vào tháng 9/2015.
Bảo tàng Hà Nội được xây dựng trong khuôn viên khu đất rộng khoảng 54.000m2, tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng (tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Công trình có hình dạng kim tự tháp ngược, gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm, cao 30,7 m.
Bảo tàng Hà Nội được thiết kế 4 tầng và thể hiện trong 6 không gian trưng bày theo chủ đề, như chủ đề Hà Nội thời Tiền – Sơ sử; Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt từ thế kỷ XI-XVIII; Hà Nội từ thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; Hà Nội – Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và cuộc trường chinh từ 1945-1975; Chủ đề Hà Nội – Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất.
Không gian trưng bày ngoài trời, tầng 1, tầng 2 đã và đang hoàn thành công tác trưng bày. Không gian trưng bày tầng 3,4 phấn đấu sắp đặt hiện vật trưng bày vào quý 3/2016.