Vì sao Đà Nẵng tạm dừng "chi bồi dưỡng" cho CSGT?
CSGT Đà Nẵng lập biên bản xử phạt vi phạm chạy quá tốc độ trên tuyến QL 1A - Ảnh HC |
Sáng 10/7, một tờ báo đưa tin "Đà Nẵng ngừng trả tiền "dưỡng liêm" cho CSGT" và dẫn phát biểu của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương giải thích nguyên nhân của việc "ngừng trả tiền" là do "việc chi trả này không đúng quy định của Nhà nước".
Cái đó (việc "ngừng trả tiền" - PV) không có vấn đề gì vì không phải thiếu ngân sách mà cũng không phải nó sai gì, mà đó là một chủ trương. Sau một thời gian làm thì mình tạm dừng để rút kinh nghiệm, tính toán cho việc sắp đến mình làm thế nào cho nó chặt chẽ!
Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, trả lời phỏng vấn báo chí bên lề kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng về việc tạm dừng chi trả tiền bồi dưỡng cho lực lượng CSGT (Ảnh: HC) |
PV: Nhưng theo một tờ báo sáng nay đưa tin thì ông nói việc tạm dừng này là do "việc chi trả không đúng quy định của Nhà nước"?
Ông Võ Duy Khương: Bởi rứa! Báo chí nói không chính xác. Cứ nói không theo đúng ý của tôi nên tôi không muốn trả lời là vì vậy. Thà phỏng vấn là phải có ghi âm, chứ nhiều khi ghi không đúng!
PV: Vậy ngày hôm qua ông trả lời tờ báo đó thế nào?
Ông Võ Duy Khương: Tôi nói đó là tạm thời dừng thôi, để cho TP rà soát trở lại tất cả các quy định để sau này mình triển khai cho hợp lý. Rà soát các quy định để mà triển khai cho nó phù hợp, chứ tôi có nói sai chính sách, sai quy định gì đâu?
PV: Thời gian "tạm dừng" là bao lâu, thưa ông?
Ông Võ Duy Khương: Cái này thì sắp đến, sau kỳ họp HĐND TP này, UBND TP Đà Nẵng sẽ họp. Chúng tôi sẽ báo cáo ra Uỷ ban. Chính anh em bên công an họ cũng kiến nghị việc "tạm dừng" này!
PV: Xin ông cho biết bên Công an TP kiến nghị thế nào?
Ông Võ Duy Khương: Họ kiến nghị UBND TP tạm dừng việc chi bồi dưỡng để rà soát và cho thực hiện theo Thông tư 89/2007 (ngày 25/7/2007) của Bộ Tài chính. Trong đó có quy định chế độ hỗ trợ cho anh em công an từng lĩnh vực, đi trực đêm, trực hôm... Đó là ý của Công an TP, còn Uỷ ban thì cho tạm dừng, sẽ họp Uỷ ban rồi mới quyết định.
Công an TP, thực ra tâm lý mấy ảnh cũng ngại. Ảnh ngại, ảnh kêu chỉ có mình Đà Nẵng nhận khoản tiền đó, trong khi sát mình đây là Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế không có. Ổng ra họp ngoài Bộ, người ta cũng nói mấy ông nhận tiền của Uỷ ban như rứa có đúng hay sai? Ngay trong nội bộ của anh em họ cũng có ý kiến, bởi vì đâu có phải chỉ CSGT vất vả thôi đâu, anh em hình sự đi nằm bờ, nằm bụi vất vả như thế mà không hỗ trợ...
Tức là hồi đó anh Thanh (ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, người đưa ra ý tưởng chi tiền bồi dưỡng cho lực lượng CSGT hồi năm 2012) xuất phát từ ý tưởng tốt là đừng để anh em CSGT tiêu cực, có khoản tiền này để tự trọng bớt, đừng có nhận tiền tiêu cực. Nhưng thực ra cái đó nó vô cùng, nên ta phải nghĩ hết toàn bộ, quán xuyến toàn bộ!
PV: Được biết ông đã trực tiếp ký văn bản về việc tạm dừng nêu trên. Xin ông cho biết nội dung của văn bản đó?
Ông Võ Duy Khương: Theo đề nghị của Công an TP và Sở Tài chính, tôi đã ký hai công văn số 4888/UBND-KTTH (ngày 11/6/2013) và 5725/UBND-KTTH (ngày 8/7/2013) về việc "liên quan đến sử dụng nguồn thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông". Trong đó yêu cầu các cơ quan hữu quan của TP và các quận huyện tạm dừng việc chi bồi dưỡng cho các lực lượng có liên quan đến công tác bảo đảm an toàn giao thông như CSGT, Thanh tra giao thông... mà trước đó thực hiện theo Quyết định 6507/QĐ-UBND (ngày 10/8/2012) của UBND TP Đà Nẵng (với mức chi bồi dưỡng cao nhất là 5 triệu đồng/người/tháng - PV).
PV: Trong thời gian qua có một số người hay gọi khoản tiền mà UBND TP Đà Nẵng chi bồi dưỡng cho CSGT là tiền "dưỡng liêm" đối với CSGT. Theo ông, cách gọi như thế có đúng không?
Ông Võ Duy Khương: Gọi như thế không đúng đâu. Chúng tôi không hề gọi đó là tiền "dưỡng liêm". Không ai quy định gọi như thế mà cũng không nên gọi như thế. Khoản chi bồi dưỡng chẳng qua là để anh em CSGT tăng cường thêm trách nhiệm, chứ còn chuyên liêm chính đã có quy định của ngành, đâu có phải chừng đó tiền mà "dưỡng liêm" được. Có khi nhiều hơn nữa cũng không "dưỡng" được ấy chứ!
PV: Xin cám ơn ông!