Vì sao Bộ Xây dựng muốn dừng cho vay BĐS?
Vì sao Bộ Xây dựng muốn dừng cho vay BĐS?
Theo một số DN kinh doanh BĐS tại khu vực TP.HCM, căn cứ vào suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở do Bộ Xây dựng công bố hàng năm (nhà chung cư 9 - 15 tầng không có tầng hầm khoảng 10,5 triệu đ/m2 sàn thực bán; nhà chung cư 20 - 25 tầng có tầng hầm khoảng 18,5 triệu đ/m2 sàn thực bán, đã bao gồm tiền đầu tư hạ tầng nhưng chưa bao gồm tiền sử dụng đất, lãi vay) thì dư địa để giảm giá bán căn hộ chung cư không còn, DN không thể tiếp tục giảm giá thêm nữa do đã sát giá thành.
Chính vì vậy, hiện tượng giảm giá sâu của một số dự án tới 25% một phần do DN đưa ra phương thức kinh doanh mới để khuyến khích người mua (bán buôn cả sàn và nộp tiền 100% ngay sau khi ký hợp đồng), nhưng một phần cũng phản ánh áp lực phải trả nợ ngân hàng khi đến hạn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Kinh tế Xây dựng thời điểm cuối năm 2011, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) bình quân của các DN ngành xây dựng đạt khoảng 2,66%. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) bình quân là 4,64%; trong đó DNNN: 4,75%, DNNNN: 4,62% và DN FDI: 7,37%.
Tổng kết thị trường năm 2011, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, giá cả nhà ở hàng hóa thiếu ổn định, đặc biệt trong thời gian gần đây đã có xu hướng giảm nhưng thị trường vẫn trầm lắng, kể cả các đô thị lớn; cơ cấu sản phẩm căn hộ nhà ở phát triển chưa đảm bảo sự cân đối, thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với khả năng thanh toán của đa số nhu cầu của người dân.
Vì vậy, Bộ trưởng Xây dựng thẳng thắn đề nghị các tổ chức tín dụng cần hạn chế cho vay các dự án khởi công mới, các dự án bất động sản cao cấp; giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh bất động sản; thực hiện tạm dừng, giãn tiến độ đối với các dự án đầu tư có sản phẩm bất động sản dư thừa, khó tiêu thụ, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án có sản phẩm đáp ứng nhu cầu cao của xã hội để phù hợp với mối quan hệ cung - cầu của nền kinh tế thị trường.
Với những người am hiểu thị trường, đề nghị không "bênh chằm chặp" DN ngành mình của Bộ trưởng Xây dựng là điều dễ hiểu.
Theo TS. Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Thủ Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, hầu hết các DN BĐS đều mong muốn chính phủ thực hiện các biện pháp hạ lãi suất để giúp vực dậy thị trường BĐS đang trầm lắng và trì trệ như hiện nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp nói chung và DN BĐS nói riêng sẽ không thể phát triển cho đến khi những bất ổn của nền kinh tế được giải quyết triệt để.
Vì vậy, trước hết các DN này phải giải quyết được nhu cầu khơi thông nguồn vốn và giảm áp lực trả nợ cũng như chi phí lãi vay cao bằng cách: chấp nhận hạ giá bán sản phẩm, chuyển nhượng hoặc kêu gọi hợp tác đầu tư các dự án đang triển khai, mua bán, sát nhập dự án…biện pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn trước mắt, xử lý được các dự án đang đình trệ do thiếu vốn, có cơ hội để tái cấu trúc lại hoạt động đầu tư, cắt giảm nhân sự, chi phí…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Xây dựng đề nghị các ngân hàng ưu tiên bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án nhà ở phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động, các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở; các dự án bất động sản sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012.
Dựa trên những tín hiệu này, thị trường BĐS 2012 chắc chắn còn nhiều diễn biến bất lợi cho giới đầu cơ, chủ đầu tư muốn khơi dòng cũng phải tính toán phù hợp xu hướng thị trường, bởi thời "lao vào đất là siêu lợi nhuận" đã qua.
Hương Giang