Vị đắng cay, ngọt bùi của những tỷ phú cá nước lạnh
Chăm sóc cá nước lạnh tại xã Bản Khoang, huyện Sa Pa |
Thế nhưng, để có được thành quả đó, người nuôi phải nếm trải đủ vị đắng cay, ngọt bùi của thành công lẫn thất bại.
Mối lương duyên với cá
Ở Lào Cai, khi nhắc tới cá nước lạnh, người ta sẽ nghĩ ngay tới ông Đỗ Tiến Thắng, Chủ tịch Hội Cá nước lạnh Sa Pa. Vẻ ngoài khá tròn trịa, người địa phương hay gọi ông bằng cái biệt danh “Thắng béo”. Ông Thắng là người đầu tiên ở Sa Pa, và cũng gần như là người nuôi cá nước lạnh đầu tiên ở Việt Nam.
Ngồi bên trang trại cá nước lạnh ở xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, ông Thắng bảo, nghề nuôi cá đến với ông cũng tình cờ như một mối lương duyên trời định. Số là ông vốn làm nghề xây dựng, chưa từng liên quan gì tới cá mú hay nông nghiệp. Những năm 2000, Phần Lan cùng Viện Nghiên cứu thủy sản 1 lên Sa Pa khảo sát và xây dựng một trung tâm ươm giống cá nước lạnh. Ông Thắng khi đó đã trúng thầu xây dựng các hạng mục của trung tâm này. Thấy cái nghề cũng hay hay, là lạ, ông mon men dò hỏi chuyện các chuyên gia nào nó là giống cá gì, nuôi có khó không.
Nhờ được sự hướng dẫn của các chuyên gia, từ năm 2005, ông Thắng bắt đầu vào nuôi cá tầm, cá hồi tại xã Bản Khoang, diện tích ban đầu vỏn vẹn 300m2. Vừa làm vừa tự mày mò học hỏi, chỉ hơn 1 năm sau, lứa cá đầu tiên của trang trại được xuất xưởng, niềm vui khôn tả. Tới năm 2007, “Thắng béo” quyết định thuê thêm đất, mở rộng quy mô trang trại lên 5.000m2 cho tới bây giờ.
“Khi đó, cá tầm giống chủ yếu được nhập ở Nga, cá hồi thì ở Phần Lan. Nay thị trường phát triển, cá được nhập ở nhiều nước như Đức, Phần Lan, Chile, Mỹ… Nhìn lại 13 năm, tôi vẫn không nghĩ mình có thể mắc duyên nợ với nghề nuôi lâu bền đến như vậy. Giờ thì lúc nào cũng ăn cá, ngủ cá, làm gì trong đầu cũng nghĩ tới cá”, ông Thắng chia sẻ.
“Thắng béo” khoe chú cá tầm chục năm tuổi được nuôi tại trang trại |
Nhờ làm ăn hiệu quả, ông Thắng không ngừng đầu tư vào hệ thống trang trại, máy móc hiện đại phục vụ chăn nuôi. Số tiền ông đổ vào cá nước lạnh đến nay đã vượt quá con số 10 tỷ đồng. Dẫn tôi đi tham quan một vòng, ông Thắng tự hào bảo, có lẽ đây là trang trại quy mô, hiện đại nhất tỉnh Lào Cai cũng như phía Bắc. Toàn bộ nguồn nước dẫn từ suối Bản Khoang vào ao đều được lọc, thậm chí có hệ thống tự điều tiết nước. Khi nước đục hay mưa lũ, hệ thống mương dẫn sẽ bị đóng, hàng chục bình sục ô xy ngay lập tức hoạt động. Chính vì vậy, trải qua nhiều trận mưa lũ, trang trại này vẫn trụ vững.
Trung bình một năm, trang trại sẽ thả khoảng 7 vạn cá giống. Sau thời gian nuôi chừng 1 năm, cá cho thu hoạch. Từng lứa quay vòng liên tục, mỗi năm trang trại xuất ra thị trường khoảng 60 tấn cá.
Theo ông Thắng, giá cả từ đầu năm tới nay khá ổn định, cá tầm từ 160 - 180 nghìn đồng/kg, cá hồi khoảng 200 - 220 nghìn đồng/kg. Mỗi năm doanh thu từ việc nuôi cá nước lạnh khoảng trên 10 tỷ đồng.
Với triết lý xây dựng mô hình khép kín từ trang trại đến bàn ăn, hiện ông Thắng có trong tay 2 nhà hàng mang thương hiệu Hồng Long tại thị trấn Sa Pa và thành phố Lào Cai.
Đây đều là 2 địa điểm uy tín, được đánh giá cao trong mắt du khách khi tới mảnh đất Lào Cai.
“Sau 13 năm phát triển, có thể nói hiện tại Lào Cai đã đạt đỉnh cao của nghề nuôi cá nước lạnh, gần như mọi nguồn nước đã được tận dụng để chăn nuôi. Thời gian qua, nhờ có sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành nông nghiệp, vấn đề VSATTP trong nghề cá đã được nâng cao”.
Nước mắt nghề cá
Đây có lẽ là lần thứ 3, thứ 4 gì đó tôi được gặp ông Nguyễn Văn Lũy chủ trại cá hồi ở thôn Can Hồ A, xã Bản Khoang. Nhấp chén trà đặc, ông bảo, khi thấy trang trại của “Thắng béo” làm ăn hiệu quả được 2 - 3 năm thì ham lắm liền học theo. Tận dụng diện tích ao hồ cạnh nhà, ông cải tạo thành 3 bể nuôi cá hồi, tổng diện tích 900m2. Tới nay, mỗi năm gia đình ông xuất bán từ 20 - 25 tấn cá hồi, trừ mọi chi phí cũng lãi gần 2 tỷ đồng.
Nhưng ông bảo, cái nghề nghe có vẻ ngon ăn nhưng cũng bao lần cay đắng. Ông mở điện thoại, lần tìm lại bài báo đăng trên Báo NNVN ngày 23/9/2013 với tiêu đề “Nước mắt cá hồi” của nhà báo Thái Sinh. Sau trận lũ dữ, cả trại cá của ông biến thành bãi đất đá ngổn ngang, hoang tàn. Hàng chục tấn cá trôi theo dòng nước lũ trong sự tuyệt vọng của ông Lũy. Năm đó, ông cùng các thành viên trong HTX Can Hồ tay trắng.
Bắt tay tôi thật chặt, ông Lũy bảo, hôm nào cậu phải mời bằng được cho tôi nhà báo Thái Sinh trở lại sau 5 năm để xem trang trại giờ phát triển thế nào. Trước là đi du lịch, sau để hàn huyên, ôn lại chuyện cũ: “Hôm đó, tôi rất ấn tượng với nhà báo Thái Sinh của Báo NNVN. Ông ấy cầm tay tôi bảo, thực lòng tôi chẳng có tiền để cho ông đâu. Tôi sẽ viết một bài báo, chỉ mong cơ quan chức năng giúp đỡ được gia đình ông. Sau vụ đó, gia đình tôi được tỉnh hỗ trợ 90 triệu đồng. Dù số tiền không nhiều, nhưng trong hoạn nạn thì một đồng cũng quý”.
Hai năm sau, một đêm tháng 3/2015, cả trại cá ước 6.000 tấn của gia đình ông Lũy bỗng dưng chết trắng, không còn một con. Không riêng gia đình ông Lũy, thỉnh thoảng ở Sa Pa lại xảy ra việc cá tầm, hồi chết hàng loạt một cách bất thường. Người nuôi thì cho rằng, có kẻ dùng thuốc sâu đổ vào nguồn nước để hãm hại. Nhưng sau cùng, tất cả chỉ là suy đoán, họ chỉ biết ngậm đắng nuốt cay, tìm cách tái sản xuất và đứng dậy.
Ưu đãi tối đa cho người nuôi
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, nuôi cá nước lạnh đang là nghề ăn nên làm ra và phát triển khá nhanh tại Lào Cai. Tính đến tháng 6/2018, Lào Cai có trên 51.568 mét khối bồn bể, sản lượng ước đạt trên 360 tấn, chủ yếu là cá hồi vân và cá tầm. Với 96 cơ sở nuôi giải quyết công ăn việc làm cho 300 lao động tại địa phương mang lại giá trị sản xuất của ngành ước đạt trên 75 tỷ đồng.
Hiện có 18/96 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VSATTP. Việc sản xuất theo quy chuẩn VietGAP đã được triển khai thực hiện tại 2 huyện là Sa Pa và Bát Xát, với 8 cơ sở được cấp giấy chứng nhận.
Quy hoạch đến năm 2020, Lào Cai sẽ có khoảng 54.500m3 bồn bể nuôi cá nước lạnh. Một số huyện như Mường khương, Bắc Hà, người dân đã bắt đầu đưa cá nước lạnh vào nuôi. Bên cạnh những thành công, sau nhiều năm phát triển, nghề nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai cũng bộc lộ nhiều tồn tại. Điển hình như việc các hộ dân vẫn chăn nuôi tự phát, không tuân theo quy hoạch. Nhiều cơ sở chung một nguồn nước gây khó khăn trong công tác quản lý chất lượng nguồn nước, ảnh hưởng đến việc quản lý dịch bệnh và chất lượng sản phẩm.
Theo ông Nhẫn, thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh, xây dựng thương hiệu “Cá nước lạnh Lào Cai”. Đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các cơ sở sản xuất thân thiện với môi trường, sản phẩm an toàn.
Ông Đỗ Tiến Thắng: “Chúng tôi không tự cao, nhưng phải nói rằng là luôn tự hào vì làm thật, kiếm tiền thật. Làm nông nghiệp, đặc biệt là nghề nuôi cá, giọt mồ hôi rơi xuống mới có được thành quả như ngày hôm nay”. Ông Thắng cho rằng, chất lượng cá ở Sa Pa ngày càng được nâng cao, đặc biệt trong vấn đề VSATTP. Người nuôi luôn ủng hộ ngành nông nghiệp tăng cường thanh, kiểm tra. Muốn có sản phẩm sạch đưa ra thị trường, chính người chăn nuôi phải thay đổi tư duy, có cái tâm trước khi đòi hỏi người tiêu dùng thông thái”. |