Vệ sinh an toàn thực phẩm: Đa số người dân... phó mặc cho số phận
Đa số phó mặc cho số phận
Thảo luận tại hội trường về vấn đề ATTP trong sáng nay 6/5, ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho biết, báo cáo của Chính phủ giai đoạn 2011-2016 cho thấy trên cả nước có 1.700 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 30.000 người mắc và 164 người chết.
ĐB Nguyễn Hoàng Mai: Một bộ phận dân cư có điều kiện thì tự trồng rau, nuôi gà còn lại đa số phó mặc cho số phận |
“Theo tôi đây chỉ là phần nổi của tảng băng ngộ độc thực phẩm vì thực tế xảy ra ở mỗi hộ gia đình, ít nhất có hàng chục triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm và người dân tự xử lý, không được các cơ sở y tế ghi nhận. Bên cạnh đó còn hàng loạt hậu quả phát sinh từ sử dụng thực phẩm không an toàn. Một bộ phận dân cư có điều kiện thì tự trồng rau, nuôi gà còn lại đa số phó mặc cho số phận”, ĐB Mai nhấn mạnh.
Theo ĐB Mai, để xảy ra mất ATTP trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh thực phẩm… Để tăng cường hiệu quả quản lý, ĐB Mai kiến nghị thiết lập đường dây nóng với số dễ nhớ để nhân dân phản ảnh các vi phạm về ATTP; kiểm soát chặt chất xả thải từ các khu công nghiệp, kiểm soát nguồn nước cung cấp cho vật nuôi, cây trồng; các tỉnh TP nghiêm túc xem xét tiêu chí môi trường và ATTP, 100% hộ gia đình phải đạt tiêu chuẩn về ATTP, coi đây là tiêu chí đúng trong công nhận xã nông thôn mới. Đặc biệt hiện nay hầu hết các thôn đều có hương ước, quy ước của mình.
“Đây là cơ chế tự quản có hiệu quả để xử lý các vấn đề của cộng đồng. UBND huyện, xã nên hướng dẫn các thôn đưa nội dung về đảm bảo ATTP vào hương ước, quy ước này. Một khi người dân đã đồng thuận và tự nguyện thực hiện thì họ sẽ đề ra cơ chế thực hiện, chắc chắn góp phần bảo đảm ATTP, loại bỏ tình trạng mỗi gia đình có 2 luống rau, 2 chuồng lợn, 2 chuồng gà riêng biệt. Một để ăn và một để bán”- ĐB Mai nêu.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cũng lo ngại khi cho rằng, tình trạng vi phạm ATTP đã gây ra những tác hại , hậu quả to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội, đối với thể lực, trí tuệ sức khỏe của con người hiện tại cũng như trong tương lai.
ĐB Mạnh Cường cho rằng việc nêu trách nhiệm này còn chung chung, tình trạng này có trách nhiệm của 3 Bộ (Y tế, NN&PTNT, Công Thương) nhưng báo cáo lại không nêu rõ phạm vi trách nhiệm của mỗi Bộ đối với các hạn chế này đến đâu, yếu kém của bộ nào là chính, UBND các cấp có trách nhiệm chính tại địa phương vậy địa phương nào làm tốt, địa phương nào chưa làm tốt?
“Tôi cho rằng nếu chúng ta không chỉ rõ địa chỉ, làm rõ trách nhiệm của Bộ ngành nào, địa phương nào chưa làm tốt sẽ khó cải thiện được tình trạng này trong tương lai”- ĐB Nguyễn Mạnh Cường nêu.
Phát hiện bất an không biết báo tin ở đâu!
Đưa ra giải pháp, ĐB Mạnh Cường cho rằng, bên cạnh việc đầu tư, tăng cường lực lượng, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan nhà nước về an toàn thực phẩm, “cần bổ sung nội dung tạo điều kiện phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.
“Dù cơ quan quản lý có đông nhân lực đến bao nhiêu thì lực cũng không đủ đông để có thể phát hiện hết tất cả các vấn đề về an toàn thực phẩm. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào người dân vì nó gắn liền trong từng bữa ăn của họ. Vì quyền lợi của mình, người dân có động lực giám sát, phát hiện những tồn tại của an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, chỉ có thể phát huy vai trò người dân, nếu các cơ quan quản lý tạo điều kiện thực chất để người dân dễ phản ánh thông tin nhất. Hiện nay nếu người tiêu dùng nào có phát hiện vấn đề bất an trong thực phẩm tại một cơ sở, cửa hàng nào đó, thì họ không biết phải báo ở đâu, thậm chí có biết thì thủ tục rất rườm rà”- ĐB Mạnh Cường nói.
Vì vậy, ĐB Mạnh Cường đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần có đường dây nóng, có cơ chế thuận tiện để tiếp nhận, xử lý nghiêm, kịp thời phản ánh của nhân dân, báo chí về vi phạm an toàn thực phẩm; có sự tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
“Việc đảm bảo ATTP là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài nên thống nhất cao với chủ trương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ưu tiên bố trí ngân sách hàng năm cũng như bố trí sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP. Tuy nhiên, mức trích 20-30% cho công tác khen thưởng là thấp, đề nghị giành cao hơn có thể 50-70% nguồn này để khen thưởng, động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có thành tích”- ĐB Nguyễn Mạnh Cường đề xuất.