Về làng mỗi người gói hàng nghìn bánh chưng mùa Tết
Tất bật dịp cuối năm
Làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội từ lâu nổi tiếng với nghề làm bánh chưng. Mỗi năm, làng Tranh Khúc cung cấp hàng vạn bánh cho thị trường. Bánh chưng Tranh Khúc có vị đặc trưng với sự hòa quyện vị ngọt bùi của đỗ xanh, vị béo ngậy của thịt và mùi thơm của gạo nếp, lá dong.
Người dân Tranh Khúc tất bật với việc gói bánh chưng. |
Đến làng Tranh Khúc dịp cuối năm, nhà nào cũng xếp đầy lá dong, thịt lợn, đỗ xanh... Người người tất bật, người gói bánh, người bọc nhân, người vo gạo... nhộn nhịp cả sân nhà.
Mỗi dịp Tết đến, xuân về sân nhà nào cũng tràn ngập lá dong. |
Cuối giờ chiều mưa phùn lất phất, mùi bánh chưng lan tỏa làm say lòng người. Còn chục ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng người và xe ra ra vào vào tấp nập như kể Tết đã đến rồi.
Người nắm đỗ, người ướp thịt, người rửa lá, ai cũng vội vàng, tất bật. |
Đôi mắt sưng thiếu ngủ của chị Kim Thị Liên, một hộ dân gói bánh nổi tiếng, chị bảo: “Chưa ăn thua em ạ! Những ngày này vẫn chưa là gì. Từ 24 âm lịch đổ ra, cứ phải xác định là thức trắng để gói bánh”.
Thay vì đun củi truyền thống, nhiều hộ đã chuyển sang luộc bánh bằng than, bằng điện. Với anh Thịnh, luộc bánh là cả một “nghệ thuật”. |
Căn nhà của chị Liên chưa khi nào tất bật, đông đúc như những ngày này. Cả gia đình luôn tay luôn chân chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh. Người thái thịt, người tước, rửa lá dong, người gói bánh, người nấu đỗ... Những người làm công thì hì hụi nhóm bếp, xếp bánh vào nồi.
Chị Liên cho biết: “Vào vụ Tết gia đình chị phải làm đến 6.000 chiếc bánh. Mỗi ngày trung bình chị gói từ 400-500 chiếc bánh. Những ngày này, chị phải huy động tất cả thành viên bên nội, bên ngoại sang giúp đỡ. Cứ 2 người gói phải có đến 8 người phục vụ mà không xuể. Nhiều hôm bánh làm không đủ cung cấp ra thị trường. Năm nay, chị phải thuê cả ô tô đến chở hàng thay vì xe máy như mọi năm”.
Anh Nguyễn Văn Thịnh, 38 tuổi, làm công cho gia đình chị Liên cho hay, anh làm ở đây đã 15 năm. Công việc chính của anh là luộc bánh. Theo anh, để có những chiếc bánh ngon, đạt tiêu chuẩn thì khâu quan trọng nhất là luộc bánh. Luộc bánh phải để lửa to, đều, nước luôn phải ngập bánh, làm sao để bánh chín đều, mịn mà không nát, không sượng, khi bánh chín vẫn giữ được màu xanh là cả một “nghệ thuật”.
Theo bác Kim Thị Tần, bí quyết làm bánh chưng của làng không có gì đặc biệt, cũng từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Tuy nhiên, để làm bánh chưng ngon phải rất cầu kỳ từ khâu chọn lá, chọn gạo, chọn đậu. Người dân gói bánh bằng tay nhưng chiếc bánh vẫn vuông vắn, sắc cạnh và đều tăm tắp. Người làng Tranh Khúc thường chọn gạo nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu. Còn đậu xanh thường chọn loại đậu hạt tiêu, sẫm màu thơm và ngậy. Thịt lợn mua ngay tại các lò mổ Vạn Phúc, Thanh Trì. Bánh chưng Tranh Khúc xưa luộc theo phương thức truyền thống bằng bếp củi và bếp than, nay nhiều gia đình đã sử dụng bếp điện, thuận tiện hơn. Bánh được luộc 8-10 tiếng, sau đó bánh được vớt ra, để ráo nước, ép, rồi vận chuyển đi khắp nơi.
Gói bánh cốt để giữ lấy nghề
Bánh chưng Tranh Khúc có mặt khắp các tỉnh thành trong nước. Từ Hà Nội vào đến thành phố Hồ Chí Minh, cũng có nhiều người Việt Kiều mang bánh chưng Tranh Khúc ra nước ngoài làm quà, quảng bá. Bánh chưng làm ra chủ yếu để đổ buôn cho các đại lý, siêu thị. Ai đến lấy lẻ cũng bán, nhưng phải đặt hàng trước.
Bánh chưng gấc, đặc sản của làng Tranh Khúc. |
Trẻ con ở đây lên 7, lên 8 đã biết phụ giúp gia đình. Cứ 12, 13 tuổi là biết gói bánh thoăn thoắt. Chị Liên cho hay, chị biết gói bánh từ lúc 11 tuổi, lúc đầu còn chậm, bánh chưa vuông, góc cạnh lắm. Nhưng giờ, sau hơn 30 năm gói bánh mỗi giờ chị gói được 45-50 chiếc, cái nào cũng vuông vắn, đều tăm tắp.
Mặc dù năm 2011, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Nhưng những ngày thường mỗi gia đình chỉ hoạt động cầm chừng, sản xuất khoảng 100-200 chiếc bánh để bán lẻ, đổ buôn chứ không tấp nập, nhiều đơn hàng như ngày Tết.
Chia sẻ về điều này, chị Liên cho hay: “Ngày thường chỉ có đơn đặt hàng chị mới làm bánh. Đầu ra quan trọng lắm, nhưng hiện tại bánh chưng Tranh Khúc vẫn chưa thống nhất, chưa có một đầu mối thu ổn định. Đa số các hộ dân ở đây đều bán lẻ, đổ buôn cho những cho quen biết”.
Đã bước sang tuổi 95 nhưng cụ Bùi Thị Tỵ vẫn sắn tay áo giúp con cháu làm bánh, cụ bảo, chẳng biết nghề gói bánh có từ bao giờ, từ lúc cụ sinh ra đã thấy bố mẹ cụ làm. Đến bây giờ đời cháu, chắt của cụ vẫn làm, nhưng không còn được mặn mà với nghề như trước. “Trước kia, chỉ có mỗi Tranh Khúc làm bánh nên mỗi dịp Tết đến, cả gia đình phải thức trắng suốt nửa tháng cuối năm, bánh làm nhiều gấp đôi bây giờ. Giờ thì làng làm bánh mọc lên nhiều, chất lượng thì chẳng rõ ràng. Nhiều người còn phao tin luộc bánh chưng cho pin. Từ dạo đó, bánh chưng Tranh Khúc mất lượng khách rất lớn”.
Chủ cơ sở bánh chưng Đào Nguyện cũng cùng trăn trở: “Bánh chưng mình cũng có thương hiệu rồi nhưng chưa được nhiều nơi biết đến, đặc biệt là nước ngoài. Các em làm viết bài quảng bá bánh chưng Tranh Khúc ra nước ngoài đi, khi đó làng nghề mới lớn mạnh, phát triển, có đầu ra ổn định”.
Những ngày cuối năm, dù vẫn còn nhiều trăn trở, âu lo về đầu ra cho những chiếc bánh nhưng những thợ làm bánh ở đây vẫn đặt hết tâm tình của mình vào từng chiếc bánh. Họ mong muốn thực khách không chỉ cảm nhận được vị ngọt bùi từ đậu, vị béo ngậy từ thịt và mềm dẻo của gạo nếp mà còn cảm nhận được cái tình của người làm bánh.
Năm nay, bánh chưng Tranh Khúc lại đắt hàng, lại được đi khắp vùng miền, mang đạm vị quê hương.