Vào tận vườn trộm cà phê còn vác dao dọa đuổi chủ vườn
Lâu nay, người ta thường nghĩ chỉ đến mùa thu hoạch tiêu, cà phê thì mới xảy ra trộm cắp các loại nông sản này. Song trên thực tế, nếu người dân chủ quan, sơ hở thì những nông sản dù đã thu hoạch đem về nhà cất giữ rồi cũng có thể bị trộm “viếng thăm”. Thời điểm này, người dân trong tỉnh đang “chạy nước rút” việc thu hái để kết thúc mùa thu hoạch tiêu niên vụ 2013 - 2014.
Tại một số vườn tiêu chưa kịp thu hái thì người dân không khỏi lo lắng, phải căng bạt, dựng lều trong vườn ngày đêm canh giữ. Anh Trần Văn Hạnh ở xã Ea B’Hôk, huyện Cư Kuin bộc bạch: Kinh tế của gia đình anh phụ thuộc phần lớn vào 500 trụ tiêu trong vườn, thế mà mới vào đầu mùa vụ năm nay, bọn trộm đã vào cắt hết trái của 50 trụ tiêu nhà anh. Còn khoảng gần 100 trụ tiêu nữa chưa hái kịp nên vợ chồng anh phải dựng lều trong vườn tiêu để canh giữ ngày đêm.
Không riêng gì vườn tiêu nhà anh, nhiều hộ trồng tiêu khác trong vùng cũng bị hái trộm. Có khi chúng kéo nhau từng tốp 3 - 5 tên vào vườn tiêu, ngang nhiên dùng cào sắt kéo cả dây tiêu trên trụ rụng xuống, thậm chí chặt dây hoặc cả gốc tiêu rồi chuyển đến chỗ vắng mới tuốt lấy hạt. Khi chủ vườn phát hiện kẻ trộm, ra xua đuổi thì bị thách thức, thậm chí còn bị chống trả lại bằng các hung khí như dao rựa, gậy gộc mà chúng mang theo. Có hộ như gia đình anh Lê Huy (cùng xã Ea B’hôk) phát hiện kẻ trộm nên xua đuổi nhưng lại bị chúng dùng dao dọa đánh nên anh báo lên chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, một thời gian sau vườn tiêu của anh Huy lại bị kẻ xấu trả thù “dằn mặt” chặt phá hơn 50 trụ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Các ngành, đơn vị chức năng cần xử lý nghiêm đối với các điểm thu mua, tiêu thụ nông sản do trộm cắp. |
Bước vào mùa thu hoạch, cà phê cũng không tránh khỏi tình trạng bị hái trộm như tiêu. Không những thế, loại nông sản này sau khi thu hoạch đưa về nhà, nếu người dân sơ hở cũng dễ bị lấy trộm. Điển hình như trường hợp của gia đình ông Lê Minh Tỉnh ở thôn 6A, xã Ea Ral (huyện Ea H’leo). Khoảng cuối năm 2013, khi cả gia đình ông Tỉnh đi vắng thì có 3 tên trộm bịt mặt vào nhà, lấy trộm cả xe máy cày và cà phê chở đi. Khi cháu Lê Minh Quang (SN 1999) con ông Tỉnh đi học về phát hiện, hô hoán với bà con xung quanh thì bị chúng hù dọa, đạp ngã và tẩu thoát.
Tài sản bị lấy cắp gồm 19 bao cà phê nhân và 1 chiếc xe máy cày, ước tính thiệt hại trên 70 triệu đồng. Không chỉ riêng nhà dân mà ngay cả các đại lý thu mua nông sản nếu không cảnh giác đề phòng cũng bị kẻ trộm “ghé thăm”. Cụ thể là đại lý thu mua nông sản Thảo - Nụ ở thôn 1, xã Ea Ngai (huyện Krông Buk) vào khoảng tháng 7- 2013 đã bị kẻ trộm lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng, dùng kìm cộng lực cắt khóa cửa để vào lấy trộm 34 bao cà phê nhân xô, có tổng trọng lượng gần 2,5 tấn trong kho cất trữ, thiệt hại gần 100 triệu đồng... Từ thực trạng này đã khiến tâm lý người dân rất bức xúc, lo lắng, làm ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất, đời sống của người dân và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Mặc dù người dân đã vận dụng nhiều cách để bảo vệ tài sản của mình từ rẫy về đến nhà, nhưng kẻ trộm hoạt động khá tinh vi, liều lĩnh nên rất khó kiểm soát hết. Điều bất lợi là đa số diện tích cà phê, tiêu của người dân thường cách xa khu vực dân cư, địa bàn rộng, người dân lại thường đi làm rẫy vắng nhà và việc thu hoạch của bà con thường không đồng loạt một thời điểm nên đã vô tình tạo cơ hội cho nạn trộm cắp lộng hành.
Để ngăn chặn nạn trộm cắp cà phê, tiêu, người dân đã dùng nhiều biện pháp như: tăng cường canh giữ, tập trung thu hoạch nhanh và sớm, liên kết thành lập các tổ tự quản trong dân, dựng lều trong rẫy để canh giữ ngày đêm… song, vẫn khó ngăn chặn được kẻ trộm. Trong khi đó, đối với chính quyền các địa phương, nhất là ở cấp xã cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế trong công tác tuyên truyền, xử lý nhằm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng trộm cắp nông sản trên địa bàn. Theo nhận xét của người dân, đối với những vụ việc người dân hoặc công an xã, dân quân tự vệ bắt quả tang các đối tượng trộm cắp nông sản đưa lên UBND xã, thị trấn xử lý, thì nhiều vụ việc cũng chỉ có thể xử phạt hành chính vài trăm nghìn đồng; còn người mất cà phê, tiêu thì chẳng được bồi thường gì. Thực tế cho thấy, mức phạt ấy không đủ sức răn đe các đối tượng trộm cắp.
Một nguyên nhân khác khiến nạn trộm tiêu diễn ra phức tạp là do ý thức chủ quan của người dân, không trông coi, canh giữ cẩn thận, lúc mất lại không báo cáo cho các cơ quan chức năng biết để điều tra, bắt giữ. Chưa hết, không ít thương lái, chủ cửa hàng, đại lý vì ham rẻ nên đã thu mua cà phê, tiêu của các đối tượng trộm cắp để kiếm lời. Tuy rằng hằng năm, các ngành, đơn vị chức năng trong tỉnh đã thường xuyên tổ chức các đợt rà soát, lập danh sách để xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng trộm cắp nông sản, nhất là việc kiểm tra, giám sát phát hiện, xử lý các đối tượng, điểm thu mua nông sản trái phép. Song, để ngăn chặn dứt điểm nạn trộm cắp nông sản không phải chuyện một sớm một chiều.