Vàng, đô lại ngược dòng "đội giá"
Vàng, đô lại ngược dòng "đội giá"
Giá vàng trong nước ngày 11/10 đã tăng nhẹ trở lại sau gần một tuần đi ngang và giảm giá.
Trong khi Vàng rồng Thăng Long của Công ty VBĐQ Bảo Tín Minh Châu tăng nhẹ so với phiên sáng, lúc 15h chiều 11/10 ở mức 43,8 - 44,05 triệu đồng/lượng thì giá vàng miếng SJC được Tập đoàn Doji – đại lý phân phối tại miền Bắc thương hiệu vàng miếng lớn nhất nước, niêm yết ở mức 43,680 – 43,880 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng so với buổi sáng.
Trong khi giá vàng trong nước chỉ tăng nhẹ thì giá vàng thế giới đánh dấu bước tăng vọt đáng kể trong phiên giao dịch hôm nay.
Giá vàng thế giới lúc 9h sáng 11/10 giao dịch ở mức 1681.87 - 1682.37 USD/oz (mua vào – bán ra), tăng 30 USD/oz tương đương gần 2%. Nhưng đến 16h (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tháng 12 chỉ còn 1.666,5 USD/oz, giảm gần 20 USD/oz so với đầu giờ sáng.
Tỷ giá ngoại hối gia tăng dấy lên lo ngại giữ mức ổn định tỷ giá quanh 1% của NHNN trở nên mong manh Ảnh: IT |
Các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng theo đó điều chỉnh tăng, tỷ giá trần tại các NH này hiện lên mức kịch trần mới, ở mức 20.875 đồng/USD.
Cụ thể: Vietcombank niêm yết giá mua vào là 20.870 đồng/USD, bán ra là 20.875 đồng/USD. ACB niêm yết cao hơn, ở mức 20,873 – 20, 875 đồng/USD (mua vào – bán ra). Giá đô la tại DongABank là 20,855 -20,875 đồng/USD ở hai chiều mua bán. Niêm yết giá đô la một đằng, các nhà băng lại bán ra một nẻo, bảng giá chỉ còn mang tính chất "tượng trưng", còn giá bán ngoại tệ thực tế tại các NH đều đã trên 21.000 đồng/USD.
Trong khi đó, trên thị trường tự do, giá USD bán ra cuối ngày 11/10 ở mức 21.350 đồng/USD, giảm nhẹ 30 đồng ở chiều bán ra so với ngày 10/10. Theo nhiều chuyên gia, việc giá vàng trong nước giảm, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp khiến nhu cầu mua gom USD trên thị trường tự do giảm bớt, làm cho giá USD giảm.
Tỷ giá đang nóng lên từng ngày cả trong và ngoài hệ thống NH càng làm cho giới phân tích, nhà đầu tư tỏ ra bi quan với cam kết từ nay tới cuối năm sẽ giữ tỷ giá dao động quanh mức 1% của NHNN. TS. Võ Trí Thành – Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, dù có dấu hiệu của sự leo thang và căng thẳng nhưng không nên quá bi quan với tình hình tỷ giá ngoại hối hiện tại. Trong thời điểm chống lạm phát thường nâng tỷ giá lên một mức nào đó để tăng năng lực xuất khẩu, sau đó "neo" lại góp phần ổn định giá cả.
Cũng theo ông Thành, vấn đề mấu chốt hiện nay là NHNN có đủ biện pháp và lực để giữ tỷ giá mức cam kết hay không. Thông thường cuối năm là thời điểm đồng loạt các hợp đồng thanh toán, vay bằng ngoại tệ của DN đáo hạn, lạm phát cao, thâm hụt thương mại tính theo tỷ lệ so với GDP giảm, nhưng vẫn cao là những áp lực hiện hữu.
Cẩm Thư