Văn hóa doanh nghiệp: Điểm tựa "nhấc bổng" hiệu quả kinh doanh
Bắt đầu với câu hỏi tại sao?
Đấy là tựa đề cuốn sách nổi tiếng của Simon Sinek. Có hàng trăm định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp. Trong phạm vi bài này chúng tôi không quá chú trọng vào học thuật mà chỉ tập trung vào câu hỏi: Tại sao cần kiến tạo văn hóa doanh nghiệp trên nền tảng bản sắc văn hóa Việt?
Ta có thể định nghĩa một cách đơn giản nhất văn hóa là: Thói quen - Tinh thần - Tập thể.
Thói quen (Tiềm thức):
Đã nói đến văn hóa là nói đến thói quen, tính vững chắc, tính ổn định và sự thẩm thấu vào cộng đồng. “Ta tạo ra thói quen và thói quen tạo ra ta”. Aristotle khẳng định “95% cuộc sống được tạo bởi thói quen”. Một ngày chúng ta có 50.000 quyết định, nếu lúc nào ta cũng suy nghĩ, đắn đo để ra quyết định chắc chúng ta phát điên. Dựa vào truyền thống, dựa vào kinh nghiệm cá nhân, tất cả các quyết định phải được xử lý tức thời - phản xạ có điều kiện. Sean Covey trong quyển “Bảy thói quen của bạn trẻ thành đạt” đã viết:
“Tôi là ai?
Tôi luôn luôn đồng hành cùng bạn. Tôi vừa trợ giúp bạn hữu hiệu nhất lại vừa hủy hoại bạn nặng nề nhất. Tôi đưa bạn tiến lên những thành công phía trước hoặc kéo bạn xuống vực sâu thất bại. Tôi hoàn toàn theo đúng mệnh lệnh của bạn và thực hiện chúng một cách nhanh chóng, chính xác. Tôi rất dễ quản lý, bạn chỉ phải cương quyết với tôi mà thôi. Hãy chỉ cho tôi một vài lần phương cách bạn muốn vận hành một sự việc, tôi sẽ tự động làm lấy, không cần sự chỉ bảo của bạn nữa. Tôi là đầy tớ của tất cả những người vĩ đại và cũng trung thành với những kẻ thất bại. Những người vĩ đại, chính tôi tạo ra cho họ sự vĩ đại. Những kẻ thất bại chính tôi làm họ thất bại. Tôi không phải là một cái máy nhưng tôi làm việc chính xác như máy móc với sự thông minh, linh hoạt của con người. Bạn dùng tôi để tạo ra lợi ích hay để phá hoại, tôi chả quan tâm. Mang theo tôi, rèn luyện tôi, cương quyết với tôi, tôi sẽ đặt cả thế giới này dưới chân bạn. Nếu dễ dãi với tôi, tôi sẽ phá hủy bạn.
Tôi chính là thói quen”.
Thói quen chính là những cái gì ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta, tạo thành đường truyền nơ ron - “nếp nhăn” để chúng ta nâng cao hiệu quả hoạt động, phản xạ nhanh chóng và chính xác. Tại sao nhiều doanh nghiệp lại kém hiệu quả? Một trong các lý do là chúng ta chỉ dừng ở mức “biết rồi”, “xoay xở được”... Từ biết đến làm là cả một quá trình. Từ làm đến tạo thành thói quen thì lại càng cần chuyên tâm rèn luyện “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Bình thường doanh nghiệp chỉ mong muốn tăng trưởng trên 10%/năm. Ta có thể tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh một cách đáng kể bằng rèn luyện thói quen. “Trăm nghe không bằng một thấy”, “Trăm hay không bằng tay quen”. Từ nhìn thấy đến rèn thành thói quen hiệu quả cách nhau cả vạn lần!
Muốn thay đổi hiệu quả SXKD cần thay đổi cách tiếp cận. “Làm như cũ mà mong kết quả mới là điên” - Einstein. Trước đây chúng ta đánh giá năng lực theo công thức: ASK (Attitude - Thái độ, Skills - Kỹ năng, Knowledge - Kiến thức). Các công ty tiên tiến đã tạo ra nhiều lợi nhuận, tiền mặt - CASH, bằng cách dịch chuyển công thức rèn luyện năng lực từ ASK lên KASH (Knowledge - Kiến thức, Attitude - Thái độ, Skills - Kỹ năng, Habit - Thói quen). “Trăm hay không bằng tay quen”. Chỉ có thói quen mới thực quyền. Không phải tự nhiên mà quyển “7 thói quen của người thành đạt” lại là Best Seller, là cẩm nang thành đạt của doanh nhân!
Đạo theo một nghĩa đơn giản chính là đường. Dù là lao động chân tay hay tư duy trừu tượng, muốn phản xạ nhanh chúng ta phải tu luyện bền bỉ để tạo thành những đường truyền nơ ron, những “nếp nhăn” trong não bộ, những thói quen.
Tinh thần:
Đa số các doanh nghiệp quá thiên lệch về vật chất, về tiền bạc trước mắt. Ít chủ doanh nghiệp biết được rằng “Tư tưởng là thống soái”. “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Từ năm 1795 danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du đã dạy:“Chữ tâm kia mới bằng 3 chữ tài”. 200 năm sau, 1995, Ts Goleman, đại học Havard cũng tuyên bố, thông minh cảm xúc Emotional Intelligence (EQ) quyết định 80%, thông minh logic (IQ) chỉ chiếm 20% hiệu quả cuộc sống. Đức Phật dạy“Vạn pháp duy tâm tạo”, “Tướng tùy tâm sinh, cảnh tùy tâm diệt”. Mọi con đường rồi cũng “Trở về Tâm Đạo” - Robins Sharma.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ lao vào kiếm tiền, bằng mọi cách để chộp dật. Tiền chỉ là hệ quả của cái đức kiến tạo & phụng sự để gia tăng giá trị cho xã hội. Hơn thế nữa nhiều “ranh nhân” kiếm chác được rất nhiều tiền một cách thiếu đạo đức nên không những không được “ăn” mà phải ngồi “bóc lịch”.
“Vì lợi ích 10 năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Vì lợi ích vạn năm phải trồng đạo. VHDN chính là tạo đạo cho doanh nghiệp. Khi đạo đức kinh doanh đủ lớn thì chúng ta không phải lo đến doanh thu nữa. “Có đức mặc sức mà ăn”.
Tập thể:
Không có con người cô độc, chỉ có con người tập thể. Theo tháp nhu cầu của Maslow, sau nhu cầu sinh lý và nhu cầu an toàn là nhu cầu quan hệ xã hội, rồi mới đến nhu cầu được tôn vinh và cao nhất là nhu cầu tự thể hiện. Sâu thẳm hơn, mỗi chúng ta được sinh ra là do sự kết hợp tuyệt vời trong tình yêu thương của bố mẹ.
Bản chất cuộc sống từ thuở hoang sơ là: Sống còn - giống cộng đồng. Chính vì vậy, để sống xuất sắc phải xây dựng cộng đồng xuất sắc - xây dựng văn hóa doanh nghiệp tiên tiến.
Khám phá vĩ đại của các nhà khoa học trong lĩnh vực tâm lý là phát hiện ra tế bào được gọi là Mirror Neuron - Nơron gương (phản chiếu) - loại nơron, phản chiếu hành động mà chúng ta quan sát được ở người khác, khiến chúng ta bắt chước hành động đó hoặc thôi thúc chúng ta phải làm việc đó, từ đó giúp chúng ta tự động phản chiếu để hợp tác. Khoa học ngày nay ngày càng đề cao Thông minh xã hội - Social Intelligence. Bản chất là thần tượng, bắt chước, lây và lan. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” “rau nào sâu ấy”, “giỏ nhà ai quai nhà nấy”, “luật vua thua lệ làng”.
Doanh nghiệp là một tập thể gắn kết những con người có chung sứ mệnh, chung tầm nhìn và chung giá trị cốt lõi, đồng tâm hợp lực gia tăng giá trị cho xã hội. Doanh nghiệp là một gia đình thứ 2 của mỗi thành viên. Thực tế một ngày có 24 tiếng thì thời gian chủ yếu trong ngày các thành viên của doanh nghiệp sống cùng nhau (10h: 8h làm việc, ăn uống, đi lại…).
Hiệu quả cuộc sống nói chung và hiệu quả kinh doanh nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa hợp tác, văn hóa ứng xử. Quyển sách “Đừng bao giờ đi ăn một mình” & “Ai che lưng cho bạnh” nói lên sự thiết yếu của tinh thần hợp tác. Làm việc đồng đội tạo hiệu quả đáng kể: “Một cây làm chẳng nên non, 3 cây chụm lại nên hòn núi cao”. Kinh doanh không phải chỉ vì tiền mà đấy là một lối sống đầy ý nghĩa: “Buôn có bạn, bán có phường, làm ăn có xóm có chòm mới vui”. Sức mạnh của sự đoàn kết hòa thuận: “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Tình yêu thương của gắn kết của các thành viên ở các bộ phận khác nhau trong cùng một doanh nghiệp “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Hiệu quả cuộc sống của mỗi cá nhân hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu quả doanh nghiệp “Nước nổi bèo nổi”. “Nước nổi thuyền lên”. Ít có nền văn hóa nào mô tả tính tập thể một cách tuyệt vời như văn hóa Việt. Văn hóa doanh nghiệp cần phát huy bản sắc văn hóa Việt để hội nhập hiệu quả mà không hòa tan.
Kim cương và than bùn cùng một gốc là nguyên tử các bon, khác nhau chẳng qua là mối liên kết dưới áp lực lớn và nhiệt độ cao. Tập thể doanh nghiệp cũng vậy, biết kết nối vượt áp lực cạnh tranh thì tạo kim cương, ghét nhau đố kỵ nhau chắc chắn chỉ cùng nhau biến thành than bùn. Suy cho cùng mọi sinh linh cùng tuân thủ luật vạn vật hấp dẫn và mở rộng là vạn năng lượng hấp dẫn, tất cả đều là cấu thành của hạt và sóng. VHDN kết nối tập thể lao động thành khối năng lượng dao động cộng hưởng. Mỗi người đam mê làm xuất sắc công việc của mình để tạo ra những nốt nhạc thánh thót hòa vào vũ điệu giao hưởng kiến tạo giá trị cho cuộc sống. Khi VHDN thẩm thấu vào tập thể lao động, hòa quyện các thành viên thành một khối thống nhất ta thấu hiểu được hiệu quả của sự hợp tác “Giàu vì bạn”. Giàu mà sang, giàu nhờ kết giao chứ không phải “côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó”.
Tóm lại, sự nhất thể của ba cấu phần tạo nên tam giác vàng quyền năng của Văn hóa doanh nghiệp: Tiềm thức (trăm hay không bằng tay quen), Tinh thần (có đức mặc sức mà ăn), Tập thể (giàu vì bạn). Là chủ nhân của doanh nghiệp, chúng ta cần đầu tư đúng mức để VHDN thành một điểm tựa làm giàu bền vững.
Nghị quyết 33-NQ/TW của Đảng đã nâng tầm văn hóa lên ngang với chính trị và kinh tế. “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế… Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc”.
Bác Hồ dạy “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Trong chiến tranh chống Mĩ, sức mạnh về tiền bạc và vũ khí Việt Nam không thể nào so với Mĩ được. Tại sao chúng ta có thể thắng được Mĩ? Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên bố “Việt Nam thắng Mĩ là thắng bằng văn hóa”. Trong kinh tế thị trường cũng vậy, “muốn sánh vai với các cường quốc 5 châu” cách duy nhất là xây dựng văn hóa doanh nghiệp giàu bản sắc văn hóa Việt thành một điểm tựa bền vững “nhấc bổng” hiệu quả kinh doanh!
TS. Phan Quốc Việt – Phó Chủ tịch Hiệp Hội Phát Triển VHDN Việt Nam
Nguồn: DĐDN