Vận động 100.000 hộ chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cùng các đơn vị liên quan trong lễ ký kết sáng nay |
Cục Chăn nuôi cho biết, trước tình hình sử dụng chất tạo nạc cấm gốc beta-agonist (clenbtuterol, salbutamol, ractopamine) trong chăn nuôi lợn trong thời gian qua đã trở thành vấn nạn, gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành chăn nuôi trong nước.
Trước đó, từ tháng 11/2015 Bộ NN&PTNN đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công An) thành lập nhiều chuyên án kiểm tra các trang trại và cơ sở chăn nuôi lợn cả nước, điều tra và triệt phá hàng loạt đường dây buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol, đồng thời đề xuất bổ sung các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” của Luật Dược sửa đổi.
Tháng 11/2015, các bộ ngành cũng trình Quốc hội thông qua những điểm sửa đổi về việc xử lý hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi. Kết quả, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi chính thức áp dụng từ ngày 01/7/2016 sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm.
Theo đó, điều 317 quy định, các cá nhân, tổ chức sử dụng các hóa chất, phụ gia bị cấm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi sẽ bị phạt hành chính từ 50 - 200 triệu, phạt tù từ 1 - 5 năm, trường hợp nặng có thể bị phạt tiền 1 tỉ đồng, phạt tù 20 năm. Ngoài ra, các bộ ngành cũng quyết liệt áp dụng biện pháp tiêu hủy đối với đàn lợn bị phát hiện có chất cấm, tức người chăn nuôi có nguy cơ mất trắng sản nghiệp nếu sử dụng chất cấm dưới mọi hình thức.
Nhờ đó, tính đến thời điểm tháng 4 năm 2016, tình hình nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có bước chuyển biến lớn.
Phát biểu về chương trình hợp tác lần này, ông Hoàng Thanh Vân- Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Giải quyết tận gốc vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi năm 2016 là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của Cục Chăn nuôi cũng như Bộ NN&PTNT. Ngoài áp dụng biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm thì việc nâng cao nhận thức, hỗ trợ cho người chăn nuôi là giải pháp mang tính lâu dài, bền vững và đóng vai trò rất lớn”.
Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chăn nuôi Việt Nam cũng cho biết: “Cấm thì dễ nhưng phải hướng dẫn người chăn nuôi để họ nhận thức, tự giá không sử dụng chất cấm và nắm các kiến thức để chăn nuôi lợn đạt hiệu quả cao thì mới giải quyết được vấn đề. Nhằm giúp người chăn nuôi làm giàu chân chính, Hội Chăn nuôi Việt Nam cùng các đơn vị đồng hành sẽ nỗ lực, sâu sát và nhanh chóng hơn trong các hoạt động hỗ trợ bà con thông qua việc xây dựng mô hình hướng dẫn chăn nuôi an toàn, hiệu quả, không chất cấm”.