Vẫn còn nền công vụ “thương nhau” thì không thể phát triển được
PGS. TS Ngô Thành Can |
Đây là quan điểm của PGS. TS Ngô Thành Can (Phó trưởng Khoa Tổ chức nhân sự, Học viện Hành chính quốc gia) trao đổi với Infonet sau cuộc tọa đàm “Đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức làm sao cho thực chất” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 19/12.
Nền công vụ “thương nhau”
PGS. TS Ngô Thành Can cho rằng, bất kỳ một chính sách nào được đưa vào thực thi sau thời gian thực hiện, người ta thường tranh thủ kẽ hở trục lợi cho mình. Thời gian qua trong đánh giá cán bộ công chức, các đơn vị hay đan xen giữa đánh giá thực thi công vụ và thi đua.
“Thi đua lẽ ra quy định mảng khác nhưng mà thường lại đan xen với việc đánh giá năng lực thực thi. Nếu thực hiện tốt tôi sẽ được đánh giá thi đua tốt, nếu tôi xét thi đua cao tôi sẽ được hưởng một số quyền lợi nhất định. Do đó kết quả đánh giá cán bộ công chức thường bị chi phối bởi thành tích thi đua”- PGS. TS Ngô Thành Can nêu vấn đề.
Ông cho biết thêm, có một điểm rất bất cập là theo quy định, nếu cơ quan có cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ thì tập thể ấy không để đạt thành tích cao hơn, người lãnh đạo cơ quan đó cũng vậy. Chính quy định này đã nảy sinh thực tế mà PGS Thành Can cho rằng “tôi thấy nhiều đơn vị có anh không hoàn thành nhiệm vụ liền được cả đơn vị xúm vào giải quyết để người đó được "đôn lên". Ví dụ như một giáo viên nếu không đủ giờ ngay lập tức được đồng nghiệp chia sẻ cho đủ; không viết được bài báo có ngay những cộng sự cho đứng tên với ý định… “cùng nhau đi lên”. Đó là nền công vụ “thương nhau”. Mà một nền công vụ còn như thế thì không thể phát triển được”.
Tranh thủ tập thể để lợi dụng hạ bậc người không ưng ý
Cũng liên quan đến những bất cập trong việc đánh giá cán bộ công chức, viên chức hiện nay, ông Ngô Thành Can cho rằng, một số đơn vị có mâu thuẫn nội bộ, hoặc người đứng đầu không minh bạch thì họ thường lợi dụng hoặc chi phối tập thể làm cho một số cá nhân có thành tích khi lấy phiếu bầu chung không đạt.
“Chúng ta cần lưu ý rằng, về nguyên tắc phiếu bầu chỉ mang tính chất gợi ý, quyết định thuộc về người đứng đầu cơ quan. Thực ra bình bầu chỉ là quy trình có giá trị tham khảo nhưng trên thực tế có hiện tượng “tập thể hóa” - người ta tranh thủ tập thể để lợi dụng hạ bệ một số người mà họ không ưng ý” - PGS Ngô Thành Can nói.
Chỉ ra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bổ nhiệm, xem xét, đánh giá cán bộ khiến dư luận xôn xao những ngày qua (trường hợp Trịnh Xuân Thanh và Vũ Minh Hoàng) ông Can cho rằng cần phải xử lý nghiêm. Đối với trường hợp Trịnh Xuân Thanh, ông Can cho biết Đảng và chính quyền đã chỉ đạo, xử lý và ra hình thức kỷ luật đối với những người liên quan, trong đó có cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Trường hợp “bổ nhiệm thần tốc” đối với ông Vũ Minh Hoàng, theo ông Can đã bộc lộ nhiều vấn đề cần phải lưu ý bởi vì những người được bổ nhiệm vào vị trí tốt (Vụ phó trở lên) yêu cầu ngoài năng lực điều hành, điều phối phải có năng lực về chuyên môn và kinh nghiệm trong công tác.
“Một người mà vừa mới ra trường, thành tích nêu ra không có gì vượt trội vẫn được bổ nhiệm Vụ phó mà đồng nghiệp không ai biết mặt chỉ có thể độc nhất vô nhị.
Bài học sau vụ việc này là cần có quy định lại trong việc tuyển dụng bổ nhiệm cán bộ. Đồng thời phải xử lý những người tham gia vào việc tuyển dụng, bổ nhiệm đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
Những người thực hiện có làm theo đúng tinh thần mà Thủ tướng nêu “tìm người tài” hay toàn tìm người nhà? Muốn xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, minh bạch, năng động và hiệu quả thì theo tôi nên tránh những trường hợp này” – ông Can nói.
PGS. TS Ngô Thành Can cho rằng để khắc phục tình trạng này cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu và phải có cơ chế kiểm tra, giám sát… Song song với đó là xây dựng hệ thống các quy định đồng bộ dần khắc phục những bất cập hiện hành.