VAMC hết thời "tay không bắt giặc"
Khó xử lý nợ xấu kiểu “chỉ muốn được mà không mất”
Theo TS. Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, dù tỷ lệ nợ xấu theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tới hết tháng 7/2014 là 4,17%, trong đó số nợ các NH tự xử lý là 200 ngàn tỷ đồng, nợ tồn đọng toàn hệ thống hiện còn khoảng 161 ngàn tỷ đồng (gồm cả nợ mới phát sinh).
Từ khi thành lập tới nay, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) mua được gần 56 ngàn tỷ đồng nợ xấu, nhưng số bán ra mới hơn 4 ngàn tỷ đồng, quá ít ỏi so với tổng số nợ “khủng” của toàn hệ thống.
VAMC đang muốn tăng thêm vốn để củng cố năng lực tài chính xử lý nợ xấu |
VAMC hiện nay xử lý xấu bằng cơ chế chứ không phải bằng tiền, mà dùng cơ chế thì không thể hiệu quả được. Nhưng ông Lịch cũng thừa nhận, với số vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng đượccấp ban đầu mà muốn VAMC phải xử lý nhanh, dứt điểm hàng trăm ngàn tỷđồng nợ của cả hệ thống ngân hàng thì là điều… không tưởng.
Lâu nay chúng ta vẫn cứ làm theo kiểu “chỉ muốn được mà không muốn mất”, thì kết quả không được gì. Tư duy này phải thay đổi ngay. Cần phải sớm bơm một lượng tiền vào hệ thống tài chính ngân hàng để kích thích sau đó rút ra và tăng vốn cho VAMC” – TS. Trần Du Lịch thẳng thắn.
Lo lắng nếu kéo dài thời gian thì chi phí (trực tiếp, gián tiếp) xử lý nợ càng tăng, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) TS. Võ Trí Thành ví von, VAMC đang như một chàng trai ốm yếu nhưng phải ôm mối nợ lớn.
“Để xử lý nợ xấu thì VAMC phải là “một chàng trai vô cùng dũng mãnh”, nghĩa là phải đủ “4 lực” năng lực, nguồn lực, quyền lực và pháp lực”- ông nói.
Lấy tiền đâu bơm vốn cho VAMC?
Việc bơm vốn, tăng nguồn lực tài chính cho VAMC được đồng loạt các chuyên gia tài chính, ngân hàng nêu lên, nhưng tiền sẽ lấy nguồn từ đâu trong khi ngân sách đang trong tình trạng thâm hụt “gần quá bán” như hiện nay?
TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển chính sách kinh tế (VEPR) – Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội hiến 4 “kế” để có tiền xử lý nợ xấu, cũng như có nguồn để bơm vốn cho VAMC.
“Kế” trước tiên mà TS. Nguyễn Đức Thành đề cập là ngân sách sẽ bơm tiền trực tiếp vào hệ thống ngân hàng. Song, xem ra phương thức này khó khả thi do thâm hụt ngân sách đang quá lớn. Lựa chọn trong trường hợp này là Chính phủ có thể cân nhắc lấy một phần từ tiền bán tài sản của doanh nghiệp Nhà nước dù còn nhiều việc phải làm với số tiền này. Hiện số tiền thu được từ bán tài sản của DNNN, theo tiết lộ của TS. Nguyễn Đức Thành vào khoảng 100 ngàn tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD.
Giải pháp thứ 2 là NHNN phải tự xoay xở nguồn tiền, trong lúc bộn bề khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, trong cuộc họp Chính phủ vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, cơ quan này có thể tìm được nguồn tiền khoảng 100 ngàn tỷ đồng để bơm vào hệ thống.
Lựa chọn thứ 3, là buộc phải thay đổi và mở rộng nguồn lực cho VAMC, cách thức xử lý đối với các khoản nợ xấu của công ty này.
Lựa chọn thứ 4 được Giám đốc VEPR đưa ra nếu 3 “kế sách” trên không thể triển khai, là đi vay tiền từ các tổ chức quốc tế. Hiện một số nhóm tổ chức quốc tế có thể tham gia, như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), nhóm nhà đầu tư Nhật Bản và nhóm nhà đầu tư Trung Quốc. Ông cho rằng, đây là sự lựa chọn “bất đắc dĩ, không ai muốn nhưng có thể cân nhắc khi cả 3 phương án trên đưa ra không làm được”.
“Đây là vấn đề không còn riêng NHNN, mà là bài toán tổng thể của cả nền kinh tế, của kinh tế vĩ mô phải giải quyết dứt điểm, đồng bộ trong giai đoạn 5 năm này. Gỡ được nợ xấu mới nói tới chuyện tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo. Chứ năm 2016 mà còn ngồi nói chuyện với nhau về xử lý nợ xấu ra làm sao, cách nào… thì không giải quyết bài toán tái cơ cấu nền kinh tế”.
Thừa nhận nợ xấu không còn là vấn đề riêng của NHNN, ĐBQH Đỗ Văn Đương - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, phải giải quyết dứt điểm ngay thời gian trước mắt, không thể để nợ xấu kéo dài, dây dưa thêm. Để tránh VAMC mua được nhiều nợ nhưng bán ra lại ít, ĐB Đương đề nghị sớm ban hành Luật mua bán nợ để công ty thuận lợi hơn mua bán nợ xấu.