Ưu tiên bố trí kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí kinh phí ngay trong những năm đầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cho các tỉnh bị thiệt hại nặng để khắc phục hậu quả thiên tai.
Vừa qua, bão, lũ liên tiếp xảy ra trên diện rộng tại khu vực miền Trung với cường độ rất mạnh, vượt mức lịch sử, gây thiệt hại hết sức nặng nề, đặc biệt là thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét với 249 người chết và mất tích; trên 239.000 ngôi nhà bị tốc mái, 1.531 nhà bị đổ sập, nhiều cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh bị hư hỏng, sạt lở; ước tính thiệt hại về kinh tế trên 30.000 tỷ đồng.
Nhiều tuyến đường hư hỏng nặng sau mưa bão. |
Trước tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng của bão, lũ vừa qua tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất.
Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ hướng dẫn địa phương kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở; theo dõi chặt chẽ tình hình thiếu đói tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng của bão, lũ, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán để kịp thời báo cáo, đề xuất hỗ trợ theo quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí kinh phí ngay trong những năm đầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cho các tỉnh bị thiệt hại nặng để khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời huy động các nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để bổ sung nguồn lực hỗ trợ khắc phục hậu quả, tái thiết sau bão lũ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả bão lũ, cơ cấu lại nợ cho các hộ bị thiệt hại, tiếp tục cho vay vốn để tái sản xuất.
Tăng cường nguồn lực cho phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước cho các hoạt động phòng chống thiên tai, trong đó tập trung xử lý các trọng điểm đê điều xung yếu, nhất là trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi; xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực xung yếu; chủ động di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất gắn với sinh kế bền vững. Chủ động lồng ghép đầu tư công trình phòng chống thiên tai trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội của từng ngành, từng địa phương.
PV