Ưu điểm, thành tựu của báo chí là dòng chủ đạo
Nhân dịp kỷ niệm 89 năm báo chí cách mạng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về những vấn đề nóng của báo giới thời hiện đại.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời báo chí (ảnh Việt Thắng) |
Thưa Thứ trưởng, nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, để nhìn lại những chặng đường mà báo chí đã đi qua, xin ông đánh giá về những “mặt được” và “chưa được” của báo chí?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, báo chí đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế; củng cố và mở rộng quan hệ của Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư và du khách nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường gắn kết, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đặc biệt, báo chí đã tham gia làm tốt vai trò là diễn đàn của nhân dân, đưa tiếng nói của nhân dân đến với Đảng và Nhà nước cũng như tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo người dân, góp phần to lớn trong việc thúc đẩy việc thực thi Nghị quyết của Chính phủ.
Hiện nay báo chí của chúng ta đang phát triển rất mạnh mẽ với 838 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh - truyền hình và 104 kênh truyền hình, hàng trăm trang báo điện tử.
Đặc biệt vừa qua, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, báo chí đã thông tin rất kịp thời đến các tầng lớp nhân dân để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, bảo vệ Đảng, Nhà nước, thành quả của cách mạng cũng như môi trường hòa bình trong khu vực. Báo chí cũng đã phản ánh sự việc tới bạn bè quốc tế, lên án hành động của Trung Quốc và làm rõ tính chính nghĩa của chúng ta trong vấn đề biển, đảo và sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước.
Báo chí của chúng ta đã truyền tải kịp thời tinh thần yêu nước của người dân, tinh thần đoàn kết cùng toàn Đảng, toàn dân, phát đi thông điệp để người dân trong nước và nhân dân thế giới phản đối hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Tôi đặc biệt ấn tượng về sự nhập cuộc tích cực của báo chí chúng ta, khi nhiều phóng viên đã dũng cảm ra thực địa khu vực Trung Quốc lắp đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để đưa tin.
Nhìn lại chặng đường phát triển của báo chí nước ta trong những năm qua, chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng những ưu điểm, thành tựu của báo chí là dòng chủ đạo.
Tuy nhiên, hoạt động báo chí thời gian qua cũng đã bộc lộ một số vấn đề đáng lưu tâm, cần phải tăng cường các giải pháp để quản lý tốt hơn.
Hiện nay, có thực trạng là một số cơ quan báo chí chưa thực hiện tốt chức năng tư tưởng, văn hóa của báo chí. Nhiều sản phẩm của báo chí tiếp tục chạy theo xu hướng giật gân, câu khách, xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng, nhất là trong các ấn phẩm phụ, số chuyên đề, báo điện tử.
Có những tờ báo vì chạy theo tính nhanh nhạy của thông tin nên thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu chuẩn xác, thiếu nhạy cảm chính trị dẫn đến những sai sót đáng tiếc.
Ông có thể lý giải nguyên nhân vì sao dẫn đến những thiếu sót của báo chí hiện nay, thưa ông?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm trên một phần do sự vận động, phát triển nhanh chóng của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; quá trình toàn cầu hóa thông tin, sự “bùng nổ” các phương tiện truyền thông trên Internet dẫn đến những thay đổi to lớn của đời sống xã hội, truyền thông, làm cho công tác lãnh đạo, quản lý báo chí gặp nhiều khó khăn, nhiều khi còn lúng túng. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông, thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa để chống phá cách mạng nước ta.
Công tác chỉ đạo, quản lý, quy hoạch báo chí, xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí của cơ quan chỉ đạo, quản lý ở trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế. Cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu và bất cập. Một số nội dung của Luật báo chí không còn phù hợp với thực tiễn.
Một bộ phận cán bộ, phóng viên, biên tập viên hạn chế về năng lực chuyên môn, tư duy chính trị, thiếu tinh thần trách nhiệm; nhận thức không sâu sắc tính chất đặc thù của báo chí với tư cách là sản phẩm hàng hóa đặc biệt nên không nghiêm túc trong việc quán triệt, tuân thủ sự chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền; thậm chí có những người phai nhạt lý tưởng dẫn đến tha hóa về chính trị và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Quán triệt quan điểm báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; đồng thời phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nội dung và định hướng thông tin báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển toàn diện cả về nội dung, hình thức và đội ngũ những người làm báo.
Do đó, từ việc chủ động nắm bắt được thực trạng và nguyên nhân của tình hình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kịp thời xác định mục tiêu, nhiệm vụ để tập trung giải quyết, đó là xây dựng quy hoạch hợp lý mạng lưới báo chí trong cả nước theo đúng hướng tăng cường hiệu quả hoạt động, đồng thời đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất, kỹ thuật theo hướng hiện đại. Tăng cường quản lý nội dung và định hướng thông tin, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền được Đảng và Nhà nước ta giao phó. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí và tổ chức triển khai thực thi có hiệu quả các văn bản quản lý, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật và nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ những người làm báo; tạo đà cho báo chí phát triển toàn diện cả về nội dung, hình thức và đội ngũ những người làm báo.
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình “Đề án quy hoạch báo chí vào năm 2020”, vậy Thứ trưởng có thể chia sẻ cho báo giới, công chúng một số thông tin cơ bản về vấn đề này?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Quy hoạch này hiện nay vẫn đang là dự thảo, chưa được duyệt. Nội dung quy hoạch báo chí đến năm 2020 cái cơ bản nhất là sắp xếp lại các cơ quan báo chí nhằm mục đích nâng cao chất lượng của các cơ quan báo chí.
Thứ nữa, trong quy hoạch mà chúng tôi đang triển khai là một cơ quan báo chí có thể có nhiều ẩn phẩm và mỗi địa phương hiện nay có ít nhất là hai đến ba cơ quan báo chí, một tờ báo Đảng, một đài phát thanh và truyền hình và một tờ văn hóa văn nghệ. Việc sắp xếp này nhằm mục đích tránh chồng chéo. Đây là thông điệp gửi đến các cơ quan báo chí ở địa phương cũng như các cấp Bộ, ngành…
Thời gian qua, dư luận nói khá nhiều về vấn đề hoạt động báo chí trên Internet, cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến độc giả đánh mất lòng tin vào báo chí. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về hoạt động của những tờ báo điện tử, các trang thông tin điện tử ở Việt Nam hiện nay?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Như chúng ta đã biết, Internet đã trở thành phương tiện truyền thông rất quan trọng và thậm chí đang từng bước lấn át các phương tiện truyền thông, nhất là với báo, tạp chí in. Hiện nay, với 33,11% tổng dân số cả nước sử dụng Internet, riêng 12 thành phố có tỷ lệ người sử dụng Internet hơn 50%, cao nhất là Hà Nội với hơn 64%, nhu cầu sử dụng Internet của xã hội ngày càng trở nên thiết yếu.
Trong Top 10 trang thông tin điện tử thu hút đông lượng người dùng nhất tại Việt Nam hiện nay có một nửa là các trang của Việt Nam, một nửa là các trang của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Trong số trang của Việt Nam trong Top 10 chỉ có hai trang là của các cơ quan báo chí chính thống, còn lại là truyền thông xã hội. Điều đó cho thấy chúng ta đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình thông tin trên mạng Internet, xu hướng thay đổi thói quen tìm kiếm thông tin từ báo chí truyền thống sang truyền thông xã hội. Truyền thông xã hội đang ngày càng trở nên quen thuộc và trở thành kênh tìm kiếm thông tin phổ biến đối với cộng đồng.
Hoạt động của những tờ báo điện tử, các trang thông tin điện tử tổng hợp là cánh tay nối dài của các cơ quan báo chí, giúp thông tin trên báo chí chính thống được lan tỏa rộng hơn, nhanh hơn. Ở góc độ nhất định, truyền thông xã hội là một trong những kênh truyền thông về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách hiệu quả. Những tờ báo điện tử hiện nay thu hút được khá nhiều số lượng lao động làm việc; các trang thông tin điện tử cũng là mô hình kinh doanh mới, mang lại giá trị kinh tế đáng kể và cũng là một kênh marketing hữu hiệu.
PV: Vậy thưa Thứ trưởng, trong xu thế đó, người làm báo chính thống cần phải làm thế nào để khẳng định được vai trò, vị thế của mình?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Có một vấn đề đặt ra là nhu cầu của người tìm kiếm thông tin khiến họ có thể đi tìm ở bất kỳ đâu, không riêng gì các kênh báo chí. Thị hiếu của họ là muốn nghe những dư luận khác, thậm chí là tin đồn thất thiệt họ cũng rất quan tâm. Chính vì thế, báo chí truyền thống phải định hướng thông tin cho chuẩn xác nhất, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay. Khi có một vấn đề đặt ra, được dư luận quan tâm, chúng ta phải kịp thời hướng đến và đó mới là trách nhiệm của người làm báo, đòi hỏi bản lĩnh của người làm báo để vừa đưa tin nhanh nhạy, lại vừa chính xác tới bạn đọc.
Như tôi đã đề cập, yêu cầu cao nhất đối với người làm báo đó là đạo đức nghề báo. Làm thế nào để phản ánh một cách trung thực tất cả mọi khía cạnh. Nhưng không phải thông tin gì chúng ta cũng đưa lên mặt báo. Người làm báo phải có những bài viết sắc nét thể hiện tính chiến đấu, tính tiên phong và thể hiện đạo đức nghề nghiệp làm cho xã hội tốt lên. Đây là yêu cầu của bản thân tôi, tôi rất mong muốn các nhà báo hướng đến mục đích chung vì một xã hội tốt đẹp, vì Chủ nghĩa xã hội.
Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Thứ trưởng có nhắn nhủ gì đến đông đảo những người làm báo tại Việt Nam hiện nay?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 tôi muốn gửi đến những người làm báo trong cả nước cũng như những nhà báo lão thành cách mạng của chúng ta lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, "bút sắc, lòng trong", "có tâm, có tầm, có tài" xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!