Uống 1 ly cà phê, cần phải có 140 lít nước
Theo báo cáo về Tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, dự kiến năm nay giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 31 tỷ USD, thặng dư 8 tỷ USD, trong đó có 10 mặt hàng nông sản của nước ta xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, sau một giai đoạn tăng trưởng nhanh, GDP nông nghiệp Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm lại, giảm từ 4,5% năm 1995-2000 xuống còn 3,8% giai đoạn 2000-2005 rồi 3,4% giai đoạn 2006-2011, chỉ còn 2,7% năm 2013 và 2,41% năm 2015.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm 0,18% và cả năm 2016 dự kiến mức tăng trưởng của ngành chỉ đạt từ 1,2-1,4%.
Việt Nam được cho là một trong 3 nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới với các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức gay gắt và nhanh hơn kịch bản năm 2012 chúng ta dự báo.
Từ cuối năm 2014 đến 2016, do tác động của hiện tượng thời tiết Elnino, 18 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long phải hứng chịu hạn hán, mặn xâm nhập trên diện rộng làm ảnh hưởng đến cuộc sống khoảng 2 triệu người dân, thiệt hại hàng trăm nghìn ha lúa. Ước tính thiệt hại về kinh tế 15.000 tỉ đồng. Đợt mưa lũ trong tháng 10 và 1/2016 cũng gây ra những hậu quả nặng nề cho đồng bào các tỉnh miền Trung.
Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và địa phương, trong năm 2016, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ ứng phó với thiên tai.
Tính đến đầu tháng 7/2016, các đối tác và tổ chức quốc tế đã hỗ trợ khẩn cấp hơn 16 triệu USD giúp Việt Nam khắc phục hậu quả thời tiết cực đoan Elnino. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn từ 2016-2020 cần nguồn kinh phí hơn 25.000 tỷ đồng để khắc phục những thiệt hại do Elnino gây ra.
Trước mắt, trong năm nay sẽ cần 3.734 tỷ đồng để hỗ trợ giống khôi phục sản xuất, cung cấp thiết bị lọc nước, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt và nâng cấp công trình phòng chống hạn, mặn cấp bách.
Ông Nguyễn Xuân Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Thuỷ lợi Miền núi phía Bắc (Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam) đánh giá, biến đổi khí hậu và nước tưới là vấn đề nông dân đang gặp phải hàng ngày.
Hạn hán ở Tây Nguyên, hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gay gắt khiến quỹ đất nông nghiệp càng ngày càng bị thu hẹp. Chi phí lao động cho nông nghiệp cũng ngày càng cao. Trong khi đó yêu cầu của thị trường là giá thành phải ngày càng rẻ, sản lượng cao, chất lượng ngày càng khắt khe.
Do vậy đòi hỏi ngành nông nghiệp phải ứng dụng công nghệ mới để giảm giá thành, nâng cao năng suất, tăng tính cạnh tranh.
Ông Nguyễn Xuân Kiều cho rằng cần phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu như áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, thực hành bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng nước và phân bón, giảm phát thải khí nhà kính…
Trong đó, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, giá trị cao.
Ông Kiều lấy dẫn chứng, trong toàn bộ quá trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến cần 140 lít nước để có được 1 ly cà phê.
Việt Nam sản xuất 1kg cà phê thì nhà nước phải bù lỗ 1.000 đồng chi phí đầu tư các công trình cấp nước. Chính điều này, khiến giá thành cà phê tăng cao, tính cạnh tranh thấp.
Tuy nhiên nếu áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm có thể giảm 40-50% lượng nước tưới; 50% lượng phân bón; trên 90% công tưới nước, bón phân; chất lượng cà phê đều hạt và năng suất tăng 10-20%.
Như vậy cà phê sẽ tăng 60-100% lợi nhuận. Tưới tiết kiệm cho hồ tiêu cũng giúp tăng 20-30% lợi nhuận…