Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống Covid-19
Theo PGS.TS.Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), trong đại dịch Covid-19, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã được triển khai và phát huy hiệu quả trong việc truy vết, giám sát, quản lý dịch.
Sẽ thống nhất 1 app
Khác với các ứng dụng CNTT chỉ triển khai tại cơ sở y tế hoặc một khu vực, các ứng dụng hỗ trợ phòng chống Covid-19 đều triển khai trên diện rộng, diện quốc gia; đồng thời, do tính cấp thiết của việc chống dịch, nhiều ứng dụng khác nhau đã được triển khai để phục vụ tức thời cho hoạt động chống dịch cụ thể, theo tính chất chống dịch gấp rút tại từng thời điểm, do vậy chưa kịp thời liên thông, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các ứng dụng.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19. |
PGSTS.Trần Quý Tường cho biết, hiện Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế công bố 3 app khai báo y tế, còn lại của các lĩnh vực khác nhau liên quan đến Covid-19, bao gồm:
Thứ nhất, ứng dụng NCOVI do VNPT xây dựng: cho phép khai báo y tế toàn dân, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày (tự nguyện) và ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng. Ứng dụng được triển khai từ đầu dịch đến nay.
Thứ hai, ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration) do Viettel xây dựng: Đây là ứng dụng đã được triển khai toàn quốc ngay từ đầu khi có dịch Covid-19, cho phép khai báo y tế nhập cảnh (bắt buộc), khai báo di chuyển nội địa, khai báo y tế toàn dân, cập nhật tình trạng sức khỏe hằng ngày với người dân trong khu vực cách ly (bắt buộc), ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng.
Thứ ba, ứng dụng Bluezone do BKAV xây dựng: ứng dụng ra đời sau hai ứng dụng trên, cho phép ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại thông minh (smartphone) cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Ứng dụng này cũng cho phép người dân khai báo y tế toàn dân, ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng, gửi bản tin thông báo đến người dân.
Trong thời gian tới, khi thống nhất tập trung thành 01 ứng dụng Phục vụ phòng chống Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tổ chức liên thông, dữ liệu đầy đủ, việc triển khai ứng dụng số trong phòng chống Covid-19 sẽ có hiệu quả hơn.
Tiếp tục đẩy mạnh công nghệ số trong y tế
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết thêm, trong thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng CNTT, tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn... 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, kết nối liên thông với hệ thống giám định thanh toán bảo hiểm y tế đạt 99,5%; có 20 cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim; Triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng rô-bốt trong y tế, ứng dụng ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện, cảnh báo tương tác thuốc bệnh viện; hỗ trợ tư vấn - Chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện. Trong việc xây dựng hồ sơ sức khỏe toàn dân.
Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch 5349/QĐ-BYT ngày 12/11/2019 của Bộ Y tế ban hành kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Theo kế hoạch này, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời như Bà Rịa Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Dương, Thái Bình, Nam Định, Lâm Đồng, Phú Thọ, Bình Phước, Bình Thuận, An Giang, Quảng Bình….
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong y tế vẫn còn nhiều hạn chế. Theo ông Tường, việc ứng dụng CNTT gặp một số khó khăn.
Ví dụ như về cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT Y tế chưa hoàn thiện, chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, chưa có kết cấu chi phí CNTT tính vào chi phí dịch vụ y tế.
Ngoài ra, các quy định về ứng dụng CNTT y tế chưa hoàn thiện, khó triển khai. Nguồn nhân lực CNTT Y tế còn thiếu về số lượng, và chất lượng chưa đảm bảo.
Ứng dụng CNTT là làm thay đổi thói quen, phương pháp lao động, làm việc cũ lạc hậu bằng phương pháp tiến bộ, do đó đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải tiếp cận với cái mới, cần có thời gian để thích ứng.
Ứng dụng CNTT phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của thủ trưởng đơn vị, trong khi đó, một số thủ trưởng đơn vị chưa quan tâm nhiều đến ứng dụng CNTT.
Khánh Chi