UNESCO phát động Chương trình Tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một Đại dương không nhựa
Trên thế giới có 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm. Hơn một nửa lượng rác thải nhựa từ đất liền bắt nguồn từ năm quốc gia ở Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Với mong muốn thúc đẩy vai trò của thanh niên trong kiến tạo những thay đổi quan trọng cho tương lai phát triển bền vững của Việt Nam, trong khuôn khổ Sáng kiến Thanh niên đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) cùng với Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An chính thức phát động Chương trình Tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một Đại dương không nhựa, dưới sự hỗ trợ của Quỹ Coca-Cola Foundation.
Trên thế giới, 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm. Hơn một nửa lượng rác thải nhựa từ đất liền bắt nguồn từ năm quốc gia ở Châu Á, trong đó có Việt Nam. Nếu không có những hành động cụ thể ngay bây giờ, dự báo đến năm 2050, biển của Việt Nam có thể sẽ chứa nhiều rác thải nhựa hơn cả cá.
Thu gom rác thải nhựa tại Bến Bèo thuộc quần đảo Cát Bà, Hải Phòng. |
Với ưu tiên chiến lược tại Việt Nam, UNESCO chính thức phát động Chương trình Tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một Đại dương không Nhựa nhằm hỗ trợ các nhóm thanh niên và nhà khoa học trẻ xây dựng và phát triển các giải pháp cho vấn đề về thu gom, phân loại, xử lý, tái chế, tái sử dụng… chất thải nhựa.
Tham gia chương trình, các bạn trẻ sẽ có cơ hội xây dựng ý tưởng, tranh tài, được đào tạo định hướng bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm, tham quan thực tế địa bàn triển khai ý tưởng, được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để triển khai các ý tưởng của mình tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An cũng như được tham gia Mạng lưới thanh niên và các nhà khoa học trẻ cùng các sự kiện liên quan cấp Khu vực và Quốc tế của UNESCO.
Chương trình sẽ lựa chọn và trao giải thưởng cho 03 đề xuất Xuất sắc nhất, mỗi giải lên đến 70 triệu đồng cho đề xuất ý tưởng và chi phí hỗ trợ triển khai thực tế và 03 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng.
Chương trình mở rộng với thanh niên và các nhà khoa học trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 30 trên toàn quốc. Các thí sinh có thể dự thi theo nhóm với số lượng không quá 5 người mỗi nhóm, ưu tiên các nhóm có ít nhất 1 nữ thanh niên.
Các bạn trẻ mong muốn tham gia chương trình điền đơn đăng ký và nộp đề xuất ý tưởng qua link https://bit. ly/ 38IKe5s trước ngày 25 tháng 08 năm 2020. Kết quả các nhóm được vào vòng trong sẽ được công bố vào giữa tháng 9 năm 2020 và khóa đào tạo định hướng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An sẽ diễn ra cuối tháng 09 năm 2020. Vòng chung kết sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11 năm 2020.
Chương trình tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một Đại dương không nhựa nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh” do UNESCO thực hiện với sự hỗ trợ của Qũy Coca- Cola Foundation. Sáng kiến được triển khai tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An trong năm 2020 – 2021 với mục tiêu hỗ trợ các Khu dự trữ sinh quyển Thế giới ven biển giải quyết vấn đề rác thải nhựa thông qua trao cơ hội cho thanh niên và các nhà khoa học trẻ đưa ra các giải pháp sáng tạo và thực tế góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và hướng tới sự phát triển bền vững của đại dương.
Rác thải nhựa trên biển không chỉ làm xấu cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh vật biển và con người. Theo thông tin từ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, có khoảng 267 loài sinh vật biển đã bị vướng hoặc ăn phải các mảnh vi nhựa trên biển. Trung bình trong mỗi con cá có 2,1 mảnh nhựa. Sinh vật biển như chim, rùa, động vật có vú… thường nhầm rác thải nhựa là thức ăn và nuốt chúng vào, trong khi rùa biển thường nhận nhầm túi nilon là sứa, còn hải âu lại tưởng mảnh nhựa đỏ là mực…
Rác thải nhựa sau khi vào cơ thể sinh vật có thể gây tổn hại thành ruột hoặc gây tắc nghẽn, dẫn tới giảm khả năng hấp thụ của sinh vật, thậm chí gây tử vong. Khi sinh vật biển ăn phải rác thải nhựa, mà trong nhựa có chứa chất phụ gia nên sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống nội tiết và điều hòa hormone trong cơ thể chúng. Đối với những sinh vật biển khi vướng vào lưới đánh cá bị bỏ đi hoặc các loại rác thải nhựa khác, chúng sẽ không thể thoát ra được nên sẽ yếu dần và chết.
Thậm chí, con người có thể bị ảnh hưởng gián tiếp từ rác thải nhựa do ăn phải sinh vật biển đã bị nhiễm độc.
Nguyễn Tuân