UNESCAP: Lạm phát năm 2015 ở Việt Nam chỉ 2,5%
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc (UNESCAP) công bố chiều nay, trong năm 2015 và 2016, tăng trưởng dự báo tăng nhẹ lên mức 6,1-6,2% (Năm 2014 là 6%, 2013 là 5,4%) nhờ vào xuất khẩu và đầu tư, sức mua của hộ gia đình và các ngành kinh tế định hướng phục vụ nhu cầu trong nước.
Giá cả ổn định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Lạm phát đã giảm mức hai con số năm 2011 xuống 4,1% trong năm 2014 và được trông đợi sẽ tiếp tục xu hướng giảm xuống mức 2,5% năm 2015.
Lạm phát năm 2015 được dự báo ở mức 2,5% |
Bên cạnh đó, UNESCAP cũng cho biết, xuất khẩu dầu thô của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ tình trạng giá dầu thô toàn cầu giảm sút. Diễn biến quan trọng nhất đối với triển vọng kinh tế trung hạn là quá trình tái cơ cấu các ngân hàng và các doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra, cũng như tác động của nó đối với sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước.
Trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã hạ các mức lãi suất điều hành cũng như trần lãi suất huy động nhằm giúp hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này còn hạn chế do tỷ trọng nợ xấu vẫn ở mức cao. Ngân hàng Nhà nước đang trực tiếp hỗ trợ hoạt động mua bán sáp nhập một số ngân hàng khó khăn với mục tiêu giảm 50% số lượng ngân hàng thương mại trong vòng 3 năm tới.
Theo UNESCAP nguyên nhân cản trở sự tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia đang phát triển tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam đó là thiếu cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, nước và các dịch vụ vệ sinh môi trường.
Đánh giá Báo cáo của UNESCAP, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết: Báo cáo về kinh tế Việt Nam của UNESCAP cũng tương đồng với nhìn nhận của nhiều chuyên gia, các cơ quan của Việt Nam. Thứ nhất, sự phục hồi đã rõ nét, tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt 6,1%, không xa mục tiêu, cũng như dự báo khác của các tổ chức khác về kinh tế Việt Nam. Thứ hai là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, tuy rằng đánh giá lạm phát của UNESCAP có vẻ thấp hơn nhìn nhận, dự báo gần đây về lạm phát của Việt Nam năm 2015. UNESCAP đánh giá là 2,5% nhưng có lẽ là từ 3 đến trên dưới 4%.
TS Thành cho biết, nhìn vào số liệu quý 1 và 4 tháng đầu năm thì tăng trưởng tiêu dùng đã có xu hướng tăng trở lại, mặc dù chưa đạt được mức như trước đây (nếu trừ yếu tố giá cả tăng trên 10%) nhưng 4 tháng đầu năm nay mức tăng tiêu dùng chỉ tăng 8% (trừ yếu tố giá cả). Tổng đầu tư xã hội vẫn không cao so với những năm trước, khoảng 35-36%. Còn lại nhu cầu rất lớn liên quan đến xuất khẩu. Nhưng cái này đang có nhiều tín hiệu lẫn lộn. Một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang có tín hiệu tốt như Hoa Kỳ, bên cạnh đó có một số thị trường chưa tốt, hoặc hồi sinh chưa tốt như EU, Nhật Bản. Một số thị trường tăng trưởng thấp như Trung Quốc và thậm chí tăng trưởng âm như Nga”, ông Thành cho biết thêm.
Bên cạnh thị trường là mức thay đổi tỉ giá trong bối cảnh đồng đôla lên giá, một số thị trường cũng có thể ảnh hưởng ít nhiều. Đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu và du lịch. Hiện tại, xuất khẩu nông sản thấp đang gây áp lực lên mục tiêu tăng trưởng 10% của tổng kinh ngạch xuất khẩu trong năm nay. Tăng trưởng kinh tế Nga, Châu Âu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lượng khách du lich quốc tế tới Việt Nam.
Trước lo ngại việc tăng giá một loạt các mặt hàng sẽ dẫn tới việc tạo ra mặt bằng giá mới và ảnh hưởng đến lạm phát như thế nào, ông Võ Trí Thành lạc quan: “Rất nhiều dự báo cho rằng lạm phát năm nay có thể từ 3 đến 4%, mức lạm phát thấp. Mức ấy đã tính đến khả năng điều chỉnh giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục. Cộng với việc có thể điều chỉnh tiếp theo ít nhiều giá điện, xăng dầu. Tuy nhiên mức lạm phát vẫn được xem có thể là thấp và rất nhiều khả năng có thể đạt mục tiêu dưới 5%”.