UBTVQH cho ý kiến về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm
|
Phiên họp thứ 12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ảnh Xuân Hải. |
Đa số ý kiến trong Ủy ban pháp luật tán thành với việc chia 4 mức để đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm gồm tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp và chưa có ý kiến. Đồng thời cũng tránh được nhầm lẫn giữa việc “lấy phiếu tín nhiệm” với việc “bỏ phiếu tín nhiệm”. Bỏ phiếu tín nhiệm chỉ có 2 mức độ là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.
Qua thảo luận, đa số ý kiến thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết là gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ của việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Theo đó, người mà 02 năm liên tiếp có trên 50% phiếu “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân sẽ trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.
Đồng thời, đối với trường hợp ngay lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm mà mức độ tín nhiệm quá thấp (có trên hai phần ba số phiếu “tín nhiệm thấp”) thì sẽ đưa ra để xem xét “bỏ phiếu tín nhiệm” ngay, không cần phải đợi kết quả lấy phiếu tín nhiệm năm tiếp theo.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với 49 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn như trong dự thảo là phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị, việc lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng dân tộc và Ủy ban dân tộc chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với những cán bộ chuyên trách, còn cán bộ kiêm nhiệm thì không cần lấy phiếu tín nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là phù hợp. Đối với những ủy viên, cán bộ chuyên trách và không chuyên trách của các Ủy ban khi lấy phiếu tín nhiệm không đạt sẽ xem xét để bỏ phiếu tín nhiệm để bãi miễn các chức danh này.