UBND tỉnh Đồng Nai: Việc “lấp” sông được thực hiện đúng quy định
Theo đó trong thông cáo báo chí được ông Phó chủ tịch Nguyễn Thành Trí ký cho rằng,toàn bộ khu vực ven sông từ khu vực ven Sở Giáo dục đào tạo đến đình Phước Lư (thuộc phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa) nằm trong diện quy hoạch giải tỏa để thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt từ năm 1997.
Một đoạn sông đang được san lấp vào ngày 23/3. |
Tuy nhiên do có nhiều vướng mắc về vốn và ảnh hưởng cuộc sống của người dân do giải tỏa nhiều nên năm 2007 tỉnh đã mời các nhà khoa học nghiên cứu giải pháp lấn sông, và đánh giá tác động của phương án này.
Sau đó các cơ quan nghiên cứu kết luận việc xây dựng bờ kè cách 50m, 70m, 100m tại vị trí đoạn sông mở rộng 800m không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực, không gây ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận.
Thông cáo cũng cho rằng vị trí kè lấn sông đã được phê duyệt trong điều chỉnh quy hoạch phường Quyết Thắng vào năm 2009, và được thực hiện theo đúng quy định.
Liên quan đến công ty Toàn Thịnh Phát (TTP), tỉnh cho rằng công ty này đăng ký thực hiện dự án chứ không phải dự án là do công ty đề xuất, và việc tỉnh “thỏa thuận cho công ty Toàn Thịnh Phát thực hiện là đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định”.
Thông cáo cũng khẳng định đến nay dự án thực hiện đầy đủ thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường…và đang được thực hiện theo đúng tiến độ đã phê duyệt.
Trước đó, vào ngày 23/3 Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai dừng dự án cho đến khi có nghiên cứu thấu đáo.
Tổ chức này cho rằng dự án “thực chất là một hoạt động xây dựng lấn chiếm và tạo nên hạ tầng lớn cản trở dòng chảy, nắn dòng sông, chiếm mặt nước tự nhiên trên sông”, mà hậu quả sẽ làm suy giảm chất lượng nước và tăng nguy cơ ô nhiễm, gây xói lở bờ sông.
Bên cạnh đó họ cũng khuyến cáo dự án lấn sông có quy mô 8,4 ha nói trên sẽ tiếp tục đẩy con sông Đồng Nai vào tình trạng tồi tệ hơn về môi trường, sinh thái, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững của cả lưu vực…”.
Trong khi đó trả lời trên báo Thanh niên, Kỹ sư Nguyễn Văn Đực, một chuyên gia về nền móng công trình tại TP.HCM cũng bày tỏ lo ngại rằng diện tích bị san lấp có thể lớn hơn nhiều lần diện tích được phê duyệt (7,7 ha).
Theo ông Đực thì chủ đầu tư đang đổ đất đá thẳng xuống sông mà không làm tường vây, như vậy sẽ tạo ra một góc xuyên để chống trượt. Trong khi lòng sông là bùn, nền rất yếu, một lượng cát đá hàng trăm ngàn mét khối đổ xuống sẽ khiến cho lượng bùn đất ở dưới lòng sông trồi lên, lấn ra ngoài.