UBND quận 2 thua kiện: Người mua nhà tại dự án Gateway Thảo Điền “chết đứng”
Khách hàng chịu thiệt
Vụ cụ bà 74 tuổi Nguyễn Thị Trường (ngụ số 175 xa lộ Hà Nội, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) kiện quyết định thu hồi đất của UBND Q.2 kéo dài gần 6 năm qua bước đầu đã đến hồi kết. Bản án sơ thẩm mới đây của TAND Q.2 tuyên buộc UBND Q.2 phải hủy bỏ quyết định thu hồi 675,7m2 đất trái luật của gia đình bà Trường.
Diện tích đất này đang được địa phương giao cho Công ty Cổ phần BĐS Sơn Kim (Sơn Kim Land) xây dựng dự án Gateway Thảo Điền. UBND Q.2 thua kiện đồng nghĩa với việc Sơn Kim Land phải trả lại 675,7m2 đất cho gia đình bà Trường, nếu hai bên vẫn không thỏa thuận được. Theo các luật sư, nếu gia đình bà Trường cương quyết đòi lại đất thì nguy cơ khách hàng mua căn hộ tại dự án này vô tình bị Sơn Kim Land đẩy vào thế “chết đứng” là khá rõ ràng.
Dự án Gateway Thảo Điền hiện đang trong quá trình thi công những tầng đầu tiên. |
Bà Trường cho biết, diện tích đất gia đình bà bị thu hồi trái luật hiện đang được Sơn Kim Land rào chắn để thi công dự án Gateway Thảo Điền. Phần đất này kéo dài dọc mặt tiền đường Xa lộ Hà Nội và theo thiết kế phần đất này được Sơn Kim Land sử dụng làm công viên cây xanh cho dự án.
Dù không ảnh hưởng trực tiếp đến khối nhà của dự án Gateway Thảo Điền, nhưng theo phân tích của các luật sư, nếu phải trả lại diện tích đất này cho người dân, chủ đầu tư có dấu hiệu xâm phạm quyền lợi đối với những khách hàng trót mua căn hộ tại dự án.
Theo Luật sư Nguyễn Thúy Lệ Huyền (Đoàn Luật sư TP.HCM), vụ việc sẽ trở nên phức tạp hơn khi bản án sơ thẩm của TAND Q.2 chính thức có hiệu lực. Bởi trường hợp UBND Q.2 hủy bỏ quyết định thu hồi đất sai luật thì bà Trường, nếu muốn đòi lại đất, sẽ phải khởi kiện dân sự Sơn Kim Land. Khi đó, về tổng thể, dự án Gateway Thảo Điền không chỉ bị thu hẹp diện tích công viên cây xanh mà còn mất mặt tiền đường. Như vậy, những khách hàng mua căn hộ tại dự án Gateway Thảo Điền sẽ là bên chịu thiệt hại vì giá trị căn hộ sẽ bị giảm sút đáng kể.
Dù vậy, Luật sư Nguyễn Phi Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng, khách hàng khó có thể hủy hợp đồng mua bán đã ký với Sơn Kim Land bởi phần diện tích đất tranh chấp với gia đình bà Trường không thuộc đất xây dựng căn hộ mà chỉ là công viên cây xanh.
Theo luật sư Hòa, trong trường hợp bị thiệt hại về giá trị tài sản như trên, khách hàng có thể khởi kiện Sơn Kim Land yêu cầu bồi thường khi không thực hiện đúng cam kết điều khoản trong hợp đồng vì một phần tiện ích của dự án đã bị thu hẹp mà đáng ra người mua căn hộ được thụ hưởng.
Đã sai còn… cãi cố
Nguy cơ người mua căn hộ tại dự án Gateway Thảo Điền bị xâm phạm quyền lợi đang hiển hiện trước mắt, thế nhưng trong phản hồi mới đây, đại diện Sơn Kim Land lại cho rằng, dù các cấp tòa án có phán quyết thế nào cũng sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình thương lượng giá bồi thường hỗ trợ với diện tích 675,7m2 đất của gia đình bà Trường (!?)
Đại diện Sơn Kim Land còn “lấp liếm” rằng, trước đó, tại văn bản số 7379/VPCP ngày 22/9/2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, trường hợp các bên không thỏa thuận được thì cho phép thuê đơn vị tư vấn độc lập xác định giá thị trường của khu đất và vận động chủ đầu tư xem xét có hỗ trợ thêm cho phù hợp mục tiêu dự án để giải quyết thỏa đáng quyền lợi của gia đình bà Trường.
Trên tinh thần đó, ngày 9/5/2016, UBND TP.HCM đã có văn bản giao Sở TNMT chủ trì, phối hợp với UBND Q.2 làm việc với Sơn Kim Land và gia đình bà Trường thống nhất chọn đơn vị thẩm định giá độc lập xác định giá thị trường đối với phần đất 675,7m2.
Tuy vậy, theo Luật sư Nguyễn Phi Hòa, các chỉ đạo trên được thực hiện theo hướng giải quyết khiếu nại. Việc giải quyết khiếu nại sẽ dừng lại khi vụ việc được tòa án thụ lý, và phán quyết của tòa án sẽ là tiếng nói cao nhất.
Theo bà Trường, vì bức xúc trước việc thu hồi đất một cách vô căn cứ của UBND Q.2 mà suốt 6 năm qua gia đình bà quyết theo đuổi vụ kiện đến cùng. Bà cho hay, chuyện có ngồi lại thương lượng hay sẽ kiện Sơn Kim Land để đòi lại đất phụ thuộc vào thiện chí của công ty. Đây là điều suốt thời gian qua gia đình bà không nhận được từ Sơn Kim Land.
Được biết, dự án Gateway Thảo Điền được cho phép khởi công xây dựng đến thời điểm này có phần trách nhiệm không nhỏ của cơ quan quản lý, trực tiếp ở đây là Sở Xây dựng thành phố.
Cụ thể, tại quyết định số 147 được Sở Xây dựng ban hành trước đây có chỉ đạo: “Dự án chỉ được khởi công xây dựng sau khi chủ đầu tư hoàn tất thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất và xây dựng đường Lê Thước nối dài ra Xa lộ Hà Nội”. Thế nhưng khi Sơn Kim Land chưa thực hiện các yêu cầu này mà vẫn được Sở Xây dựng cho phép triển khai dự án.
Thậm chí, Gateway Thảo Điền là 1 trong 22 dự án trên địa bàn được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, giai đoạn từ tháng 7/2015 đến tháng 3/2016. Những động thái "tiền hậu bất nhất" trong việc cấp phép xây dựng cho dự án Gateway Thảo Điền khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu Sở Xây dựng TP.HCM có quá “ưu ái” cho dự án này?