Tướng Trần Hanh nói về Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều - "Quả tên lửa thứ ba”
Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều |
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết ấn tượng nhất của ông về phi công Vũ Xuân Thiều?
Trung tướng Trần Hanh: Thiều là thanh niên Hà Nội, một trong 10 sinh viên của Trường Đại học Bách khoa, nhập ngũ vào Quân đội đợt tháng 4-1965 và được cử đi đào tạo phi công ở Liên Xô. Thiều học rất giỏi, rất chịu khó bay, háo hức được ra trận; ít nói, nội tâm, tình cảm với mọi người và mọi người rất quý mến gọi cậu ta với cái tên trìu mến: “chị cả”. Đặc biệt, gửi thư cho người yêu bao giờ Thiều cũng ép vào trong thư một cánh hoa, hay một lá cây đã ép khô; giấy viết thư cũng thơm nức mùi nước hoa. Còn người yêu thì bao giờ cũng gửi thư cho Thiều bằng phong bì màu xanh. Theo cô ấy màu xanh là màu hy vọng! Tóm lại có thể nói Thiều là điển hình của thế hệ trẻ có tri thức trong Thời đại Hồ Chí Minh "gác bút nghiên lên đường đánh giặc".
PV: Thưa ông, Vũ Xuân Thiều hy sinh trong hoàn cảnh nào?
Trung tướng Trần Hanh. |
Trung tướng Trần Hanh: Thiều biên chế về Phân đội bay đêm, thuộc Đại đội 9, Trung đoàn 927, Sư đoàn 371 Không quân. Tôi xin nhấn mạnh thêm, phân đội bay đêm là phân đội tập hợp những phi công không chỉ giỏi nhất về nghiệp vụ bay mà còn có bản lĩnh, ý chí quyết tâm cao nhất, lòng căm thù giặc sâu sắc nhất. Với cương vị Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 371, tôi có vinh dự được chỉ huy trực tiếp cả đêm Phạm Tuân (27-12) và đêm Vũ Xuân Thiều (28-12) đánh B -52. Ngay từ ngày 27-12, Thiều đã được đơn vị bí mật đưa đến sân bay dã chiến đặt ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Hơn 8 giờ tối ngày 28, ta phát hiện B-52 chuẩn bị vào đánh Hà Nội theo hướng từ Lào sang. Tôi chỉ huy cho Thiều cất cánh theo đúng phương án, bay thấp hơn mục tiêu 150 đến 200m thẳng về phía Sơn La (nghĩa là Thiều phải bay nhiều đoạn lách theo sườn núi - chỉ có những phi công cực giỏi mới bay đêm được ở địa hình như thế); liên lạc thoại giữa Thiều và Sở chỉ huy rất vắn và theo ám hiệu (mây đen là B-52; uống là bắn; hai chai là hai tên lửa...) kế hoạch đã được thống nhất từ ở nhà. Dẫn bay là Đài ra-đa Sư đoàn đặt ở Mộc Châu.
Hôm đó trời trong xanh, đài ra-đa của ta bắt rất nét, kiểm soát được đường bay của Thiều và ngay lập tức bắt được mục tiêu địch... Khi xuất hiện toàn bộ đội hình B-52 ở cự ly cách máy bay của Thiều 30km Sở chỉ huy đã thông báo cho Thiều và đến 20km thì anh phát hiện được mục tiêu. Vậy là Thiều phát hiện được địch sớm hơn so với trận đánh của anh Phạm Tuân tối hôm trước. Khi còn cách địch 3km, chúng tôi bắt đầu nhắc Thiều: “Mây đen 3km… 2,5km, uống cả 2 chai... Thoát ly về phía đông nam”. Thiều bắn cả 2 tên lửa, quầng lửa đỏ rực, nhưng sau đó Sở chỉ huy cũng mất liên lạc với Thiều... Ngay lúc đó chúng tôi đã linh tính Thiều hy sinh! Phi công Phạm Ngọc Lan dẫn đầu đơn vị cùng với các cơ quan chức năng lên Sơn La kiểm tra xác minh chiếc máy bay B -52 bị Thiều bắn rơi tại chỗ. Và thật đau xót, lẫn trong xác B-52 là xác chiếc máy bay Mig-21 của Thiều. Thiều đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 27 tuổi xuân! Với những thành tích đặc biệt xuất sắc và hành động hy sinh ngoan cường, dũng cảm, Vũ Xuân Thiều đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
PV: Ta có phương án phi công quyết tử lao vào máy bay địch không?
Trung tướng Trần Hanh: Không có phương án ấy. Thiều biến máy bay của mình thành "quả tên lửa thứ 3" tiêu diệt địch, theo chúng tôi là do hoàn cảnh khách quan không thể khác, ví dụ bám sát máy bay địch ở cự ly quá gần và không thể thoát ra được.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.
Theo Huy Thiêm (QĐND)