Tưởng nói chuyện trên trời, điều này mang lại cơ hội bất ngờ với DN
Khi nói về Phát triển bền vững là không phải nói về điều gì đó xa vời, rộng lớn, hay một cái gì đó chung chung khiến ta tưởng như nó ở… trên trời. Đối với các doanh nghiệp, đó chính là cơ hội đầu tư vào kinh doanh.
Phát triển bền vững không còn là thứ ở… trên trời
Gần đây, chúng ta cũng nghe nhiều hơn về cụm từ “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, không ít người quan niệm rằng “trách nhiệm xã hội” chính là các hoạt động nhân đạo, từ thiện.
Những hoạt động đó đã, đang và sẽ được triển khai rất nhiều, nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ trong “trách nhiệm xã hội” của doan nghiệp (DN). Trong khi đó, Phát triển bền vững (PTBV) mới là cách tốt nhất cho DN và cả xã hội
Theo ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam – xu thế của thế giới là tích hợp được trách nhiệm xã hội (TNXH) với sự PTBV của doanh nghiệp, đồng thời thẩm thấu được tinh thần của 17 Mục tiêu PTBV của Liên hợp quốc vào chiến lược kinh doanh của DN. Từ đó gắn liền những vấn đề về quản trị tích hợp, về chiến lược kinh doanh.
“Khi DN làm tốt sẽ tạo được năng lực cạnh tranh cao hơn rất nhiều và năng suất cũng sẽ cao hơn. Nói cách khác, PTBV không phải điều gì đó xa vời, rộng lớn, hay một cái gì đó chung chung khiến ta tưởng như nó ở… trên trời. Thực hiện PTBV hay thực hiện TNXH đó chính là cơ hội đầu tư vào kinh doanh,” ông Nguyễn Quang Vinh cho hay.
Theo Báo cáo của Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững được công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos năm 2016, việc thực hiện PTBV đem lại cơ hội 12.000 tỷ USD cho các DN và tạo ra 380 triệu việc làm mới hàng năm. |
Thay đổi khái niệm về thành công của DN
Trước đây chúng ta nhấn mạnh đã là DN thì phải có lợi nhuận, điều này hoàn toàn đúng và là mục tiêu của DN. Nhưng nếu chỉ nhìn vào báo cáo tài chính có nghĩa là nhìn vào quá khứ. Thành công trong năm nay về mặt tài chính chưa chắc đã đảm bảo cho DN sẽ thành công về mặt tài chính cho những năm tiếp theo.
Đến nay, một số ít các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam đã chú trọng đến việc lập Báo cáo Phát triển bền vững như Tập đoàn Bảo Việt, Traphaco, FPT, Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Thành Thành Công Tây Ninh,…. Báo cáo này được lập và công bố hàng năm bên cạnh Báo cáo Thường niên của DN.
Các DN thực hiện báo cáo PTBV theo nội dung quy định tại Thông tư 155/2015/TT-BTC về các tiêu chí môi trường, xã hội, quản trị, và áp dụng hoặc tham khảo hướng dẫn GRI phiên bản G4 (riêng Bảo Việt đã áp dụng tiêu chuẩn GRI Standards).
Một câu chuyện cụ thể được bà Nguyễn Thanh Hoa, Trưởng Ban Truyền thông – Thương hiệu, Tập đoàn Bảo Việt, chia sẻ, đó là một Tập đoàn từ Hàn Quốc ngỏ ý muốn hợp tác với Bảo Việt. Khi được hỏi vì sao lại chọn Bảo Việt trong khi thị trường có nhiều DN cùng ngành. Câu trả lời của đối tác phía Hàn Quốc chỉ đơn giản là: Vì Bảo Việt có Báo cáo Phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thanh Hoa, Trưởng Ban Truyền thông – Thương hiệu, Tập đoàn Bảo Việt. |
Thực tế tại Bảo Việt chứng minh PTBV là cơ hội chứ không phải là thách thức. DN này là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tài chính ở Việt Nam thực hiện báo cáo PTBV trong 6 năm qua, hiện là một trong những DN tỷ đô đầu tiên của Việt Nam, giá trị cổ phiếu luôn đảm bảo, thị phần bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ cũng ở vị trí số một. Bà Nguyễn Thanh Hoa cho biết, đến nay Bảo Việt đã đưa vấn đề PTBV vào chiến lược kinh doanh của tập đoàn.
Trong khi đó, đối với một DN sản xuất như Traphaco, theo ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc công ty, DN muốn phát triển bền vững phải thông qua các quan hệ đối tác.
Traphaco thông qua việc phát triển kinh tế cùng người dân tham gia trồng nguyên liệu, bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên, để đảm bảo rằng công ty có được nguồn cung cấp nguyên liệu bền vững. Đó chính là con đường phát triển bền vững của DN.
Vùng trồng Actiso của Traphaco tại Sapa (Lào Cai). |
“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng dân tộc thiểu số tham gia trồng nguyên liệu. Traphaco cung cấp giống cây dược liệu, hỗ trợ kỹ thuật quản lý chất lượng hiện đại theo tiêu chuẩn GACP-WHO, UEBT, Organic,… thông qua đó góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học vừa đem lại giá trị lợi nhuận cho DN và người dân.
Kết quả là, Traphaco đã góp phần tạo ra trên 20.000 lao động, trong đó có hơn 40% là đồng bào dân tộc thiểu số với thu nhập gia tăng từ 3-5 triệu đồng/hộ/tháng,” ông Nguyễn Huy Văn nói.
Mô hình kinh doanh của Traphaco. |
Đến nay, vùng nguyên liệu của Traphaco gồm: 72ha cây actiso tại Lào Cai, 500ha cây đinh lăng tại Nam Định, 800ha rau đắng đất ở Phú Yên, 15ha bìm bìm biếc ở Hòa Bình và Phú Thọ, khai thác bền vững 35.000 ha chè dây tại Lào Cai.
Đồng tình với ông Huy khi nói về quan hệ đối tác, ông Matt Wilson, Giám đốc Đối ngoại Heineken Việt Nam, cho biết, trong chuỗi cung ứng của Heineken, đã có những DN trở thành nhà cung cấp cho Heineken Việt Nam từ 10-15 năm và hiện đã lớn mạnh để có thể cung cấp sản phẩm ra toàn cầu. Đó là cách để các tập đoàn đa quốc gia từng bước giúp đỡ các DNNVV trong nước và đó chính là PTBV.
Cũng theo ông Matt Wilson, 37% số người Việt Nam được khảo sát cho rằng việc lái xe sau khi uống rượu bia là hành vi được chấp nhận. Và Heineken Việt Nam đã cố gắng thay đổi nhận thức này thông qua một loạt các hoạt động.
Nhà máy Heineken tại Hà Nội, một trong 6 nhà máy của Heineken tại Việt Nam. |
“Năm 2017 Heineken Việt Nam đã đầu tư 16 tỷ đồng cho việc tuyên truyền thông điệp “Uống có trách nhiệm”. Năm 2018, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền thông điệp này, đồng thời tập huấn ở nhiều địa phương khác nhau để tuyên truyền thông điệp đã uống rượu bia thì không lái xe,” ông Matt Wilson cho hay.
Bên cạnh đó, 4/6 nhà máy của Heineken tại Việt Nam sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong hoạt động nấu bia và sẽ tiếp tục đầu tư để sử dụng nhiều hơn năng lượng mặt trời. Công ty cũng đầu tư hơn 200 tỷ đồng cho hệ thống xử lý nước thải, do đó nước thải tại nhà máy luôn đạt loại A hoặc A+ (tiêu chuẩn quy định là loại B).