Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Xử lý dioxin Đà Nẵng chậm do chưa có tiền lệ
Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Xử lý dioxin Đà Nẵng chậm do chưa có tiền lệ
>> Đảm bảo không còn phơi nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng
>> Khởi công xử lý dioxin: Cột mốc lịch sử quan hệ Việt - Mỹ
>> Sen vẫn nở trong điểm nhiễm độc dioxin cạnh sân bay Đà Nẵng
Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn báo điện tử Infonet ngay tại hiện trường dự án ngày 9/8 - Ảnh: HC |
Ngay tại hiện trường, ông đã trả lời PV báo điện tử Infonet và báo Tuổi Trẻ về dự án xử lý chất độc dioxin lần đầu tiên được Chính phủ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác thực hiện kể từ sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975.
Infonet: Thưa Thứ trưởng, theo ông thì vấn đề gì cần lưu ý nhất trong quá trình triển khai dự án này để đảm bảo an toàn?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đó là vấn đề môi trường, vấn đề quản lý, giám sát quá trình thực hiện dự án. Phải thường xuyên giám sát để đảm bảo là chất độc dioxin được xử lý một cách tương đối triệt để, lượng khí phát sinh ra trong quá trình đốt đất nhiễm dioxin được quản lý tốt. Có mấy vấn đề trong quá trình giám sát việc xử lý dioxin:
Thứ nhất là điện, phải được cung cấp ổn định, liên tục, không để xảy ra mất điện. Thứ hai là khoanh vùng khu vực dự án, không để lan toả dioxin ra khu vực bên ngoài trong quá trình đào xúc, vận chuyển đất ô nhiễm đến nơi xử lý. Thứ ba là phải theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thu gom, xử lý lượng khí thoát ra ngoài khi tiến hành đốt đất nhiễm.
Tuổi Trẻ: Thưa Thứ trưởng, liệu phía Mỹ có coi dự án này là một sự đền bù chiến tranh?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi cho đây là một hoạt động nhân đạo hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó Việt Nam là chủ đầu tư của công trình. Đây là mình làm cho dân mình và có sự giúp đỡ, hợp tác của Hoa Kỳ.
Tuổi Trẻ: Thưa Thứ trưởng, việc tẩy rửa dioxin cho sân bay Đà Nẵng có được xem là chậm tiến độ hơn so với những gì mà chúng ta đã đánh giá?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Theo tiến độ vạch ra thì hơi chậm nhưng do các nguyên nhân khách quan. Trong quá trình triển khai dự án, nhất là với những dự án chưa có tiền lệ như thế này, gặp một số vấn đề thì phải giải quyết chứ tôi không cho đó là chậm.
Infonet: Xin Thứ trưởng nói rõ hơn ý "dự án chưa có tiền lệ" nghĩa là sao?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tức là ở Việt Nam, một dự án lớn với công nghệ mới như thế này để khắc phục hậu quả dioxin chưa làm bao giờ. Vì vậy trong quá trình triển khai phải có các công tác chuẩn bị để đảm bảo an toàn, nên có chậm một thời gian nhưng tôi cho đó là bình thường.
Tuổi Trẻ: Sân bay A Sao - A Lưới (Thừa thiên - Huế) là một trong những điểm nóng dioxin nhưng vì sao không nằm trong kế hoạch tẩy rửa?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Cái đó chưa nói được mà phải có kiểm tra, khảo sát. Hiện mục tiêu của dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tập trung vào những khu vực trước đây quân đội Mỹ rửa các thùng chứa, lập các khu vực kho chứa dioxin, gặp mưa hoặc vì một lý do nào đó rò rỉ ra môi trường. Các sân bay Biên Hoà, Đà Nẵng, Phù Cát là những nơi bị nặng nhất.
Tuổi Trẻ: Sau sân bay Đà Nẵng thì sân bay Biên Hoà được xem xét. Liệu khi nào thì tiến hành dự án này?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Cái đấy thì cơ quan chức năng của hai bên đang làm, trước hết là phải khảo sát, đánh giá, khoanh vùng, sau đó thì Chính phủ chúng ta sẽ chủ trì đứng ra làm với sự hợp tác quốc tế của UNDP, Hoa Kỳ và một số nước khác. Cái đó trong quá trình vận động họ sẽ tham gia và mình tổ chức thực hiện, như dự án này.
Infonet: Điều mà người dân quan tâm là dioxin không chỉ nằm trong phạm vi sân bay Đà Nẵng mà còn lan toả ra bên ngoài và ảnh hưởng tới vùng dân cư chung quanh. Tuy nhiên dự án này mới chỉ tập trung xử lý đất ô nhiễm dioxin trong khu vực sân bay. Vậy vấn đề đối với người dân ở khu vực chung quanh sẽ giải quyết như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Việc đầu tiên của dự án này là khoanh vùng, không cho dioxin ở khu vực sân bay Đà Nẵng tràn sang các khu vực dân cư. Đảm bảo rằng càng ngày thì chất độc này sẽ không còn lan toả ra vùng dân cư. Sau đó mới đến xử lý các khu đất bị phơi nhiễm. Cho nên tôi tin tác dụng đầu tiên của dự án là tránh, giảm bớt và đi đến chấm dứt ô nhiễm do lan toả dioxin ra khu vực dân cư.
Infonet: Nhưng trong hàng chục năm qua, có những khu vực dân cư chung quanh sân bay Đà Nẵng đã bị lan toả dioxin?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Cái đó thì phải tiếp tục khảo sát, vì đây là một quá trình rất lâu dài. Trước mắt là phải giải quyết gấp, sớm các khu vực bị ô nhiễm nặng như khu vực này!
Infonet: Như vậy theo ý Thứ trưởng thì mặc dù với quy mô rất lớn nhưng dự án này cũng chỉ mới là bước đầu?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đúng thế! Và cũng còn một quá trình rất lâu dài để đảm bảo rằng nhân dân chúng ta yên tâm sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi phơi nhiễm dioxin, bởi chất độc màu da cam nữa. Đó là một quá trình rất lâu dài, không thể làm một lúc là hết ngay được mà phải chọn những trọng điểm. Và sân bay Đà Nẵng là trọng điểm đầu tiên!
Infonet: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về sự hợp tác của phía Hoa Kỳ trong dự án này?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi thấy là đáng hoan nghênh. Mà không chỉ Hoa Kỳ, Tổ chức UNDP của Liên hiệp quốc và nhiều nơi khác cũng rất quan tâm. Và tôi cũng muốn nhắc lại rằng dự án này, và dù có dự án nào đi nữa, thì cũng do chính chúng ta chủ trì và chúng ta là người có trách nhiệm thực hiện. Với các nước thì chúng ta rất cám ơn nhưng họ chỉ là các bên hỗ trợ, mang tính chất hợp tác với chúng ta!
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
PGS-TS Phạm Đình Chiến, Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ - Môi truờng (Quân chủng Phòng không - Không quân), Thư ký BQL dự án cho biết: Theo Quyết định 1078 ngày 1/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì dự án được thực hiện từ năm 2011 - 2015. Tuy nhiên do khi tổ chức đấu thầu quốc tế lần thứ nhất, USAID không chọn được nhà thầu đảm bảo các tiêu chí theo yêu cầu nên phải mất 1 năm sau tổ chức đấu thầu lại mới được. Vì vậy, thời gian thực hiện dự án sẽ kéo dài đến năm 2016. Kết quả điều tra của các nhà khoa học cũng như lấy mẫu tại các điểm cho thấy mức độ ô nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Đà Nẵng có những chỗ lên đến gần 1 triệu ppt, nghĩa là ở mức độ tương đối cao. Quân chủng PK-KQ cùng với Sở Y tế Đà Nẵng và các cơ quan liên quan đã tiến hành khảo sát, nắm thông tin ở 3 phường của quận Thanh Khê nằm quanh khu vực sân bay Đà Nẵng, có tổng hợp, đánh giá chung báo cáo với nhà nước về mức độ người nhiễm dioxin trong thời gian từ năm 1975 (kết thúc chiến tranh) đến nay (tính theo tỉ lệ phần trăm). Các cơ quan này đã có hẳn một dự án về vấn đề đánh giá sức khoẻ cộng đồng khu dân cư khu vực ô nhiễm và đã có những đề tài, dự án đã được cấp trên phê duyệt thực hiện. Nguồn vốn đối ứng 35 tỉ đồng của Chính phủ Việt Nam bên cạnh việc sử dụng cho hạng mục rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng khu vực dự án thì còn xây dựng 2 trạm biến áp để cung cấp điện cho quá trình xử lý nhiệt. Quân chủng PK-KQ đã phối hợp với Công ty Điện lực Đà Nẵng xây dựng toàn bộ thiết kế kỹ thuật của hai trạm biến áp này. Đáng lẽ công trình đã khởi công nhưng do phía USAID và nhà thầu quốc tế thay đổi thiết kế xử lý nhiệt với yêu cầu tăng năng lượng điện tiêu thụ từ 6MA lên 12MA nên Quân chủng PK-KQ và Công ty Điện lực Đà Nẵng phải thiết kế lại hai trạm biến áp này để đáp ứng. |
HẢI CHÂU (thực hiện)